Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng

Thông tư 04/2021/TT-BKHCN về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Ngày đăng : 22/08/2021
Tác giả :
A+ A- In

Ngày 15/6/2021, Bộ KH&CN ban hành thông tư số 04/2021/TT-BKHCN về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy QCVN 2:2021/BKHCN”. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2:2021/BKHCN). Với một số quy định như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn của quy định kỹ thuật đối với mũ bảo hiểm dùng cho người đi: xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe máy điện, xe đạp điện và các loại tương tự.

2. Phân loại: theo vùng che phủ, quy định có 4 loại là mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu và tai; mũ che cả đầu, tai và hàm; mũ che ba phần tư đầu.

3. Cỡ, thông số và kích thước cơ bản: theo chu vi vòng đầu, các cỡ mũ được quy định cụ thể và viện dẫn theo Điều 4 TCVN 5756:2017 với 9 cỡ mũ có chu vi vòng đầu từ 460mm đến 620mm.

Theo quy chuẩn này còn có quy định về kích thước lưỡi trai, không được quá 70mm (cho lưỡi trai rời tháo lắp được và không quá 50mm (cho lưỡi trai liền khối với vỏ mũ).

4. Quy định kỹ thuật:

4.1 Khối lượng mũ: quy định khối lượng của mũ cho các loại mũ che nửa đầu, che ba phần tư đầu; theo đó không được lớn hơn:

- 0,8 kg cho các cỡ mũ 1, 2 và 3 [(460, 480 và 500) mm];

- 1,0 kg cho các cỡ mũ 4, 5, 6, 7, 8 và 9 [(520, 540, 560, 580, 600 và 620) mm].

Còn các cỡ mũ của loại mũ che cả đầu và tai, che cả đầu, tai và hàm đều không quy định.

4.2 Độ bền va đập và hấp thu xung động: Quy định mức yêu cầu kỹ thuật phương pháp thử độ bền va đập và hấp thu xung động có một số thay đổi.

4.3 Kính bảo vệ:  quy định về hệ số truyền sáng cho kính màu nhạt, trong suốt là không nhỏ hơn 50% (với yêu cầu trên kính có ghi chú “chỉ dùng cho ánh sáng ban ngày”).

5. Phương pháp thử: được quy định về điều kiện thuần hóa mẫu và phần thử độ bền va đập và hấp thu xung động.  

6. Ghi nhãn: Trong QCVN 2:2021/BKHCN ngoài các thông tin ghi nhãn theo phiên bản năm 2008, yêu cầu trên mũ và trên bao bì phải có ghi nhãn thêm các thông tin về xuất xứ hàng hóa; kiểu mũ, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo và đặc biệt có ghi khối lượng mũ và dung sai khối lượng.

7. Quy định về quản lý:

7.1 Mũ bảo hiểm sản xuất trong nước phải công bố hợp quy theo các quy định mới như Thông tư 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 và các văn bản pháp quy liên quan trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

7.2 Mũ nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, được gắn dấu CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo đó, QCVN 2:2021/BKHCN với lộ trình áp dụng như sau: Kể từ ngày 1/1/2024, các mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (sau đây gọi tắt là mũ bảo hiểm, mũ) sản xuất trong nước, nhập khẩu phải đáp ứng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường; Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy áp dụng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN kể từ ngày 1/8/2021

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.

Các quy định trước đây liên quan đến Quy chuẩn mũ bảo hiểm hết hiệu lực kể từ 1/8/2021. Mũ bảo hiểm đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 2:2008/BKHCN trước ngày 1/1/2024 được tiếp tục lưu thông trên thị trường đến hết ngày 31/12/2024.

Chi tiết văn bản tại đây

Hoa Lý