Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Hoạt động Sở, Ngành

UBND tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Ngày đăng : 08/04/2022
Tác giả :
A+ A- In

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 05/4/2022 phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và  tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Mục tiêu cụ thể

1.1. Mục tiêu tiêu thụ nội địa

Phấn đấu đến năm 2025, gạo thương hiệu An Giang tiêu thụ cho thị trường nội địa khoảng 5.000 tấn; đến năm 2030 tiêu thụ đạt khoảng 10.000 tấn.

Gạo An Giang có mặt tại các hệ thống phân phối như:

+ Kênh phân phối hiện đại: Tham gia vào tất cả các hệ thống bán lẻ của các siêu thị lớn như Coop Mart, VinMart, Big C, Auchan, Bách Hóa Xanh,...

+ Kênh phân phối truyền thống:  Phân phối tại các chợ, đại lý, cửa hàng.

+ Kênh Horeca (Cung ứng gạo qua kênh bếp ăn chuỗi nhà hàng, khách sạn): Tham gia các chuỗi cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có thế mạnh về phát triển du lịch,...

1.2. Mục tiêu kinh doanh xuất khẩu

Tập trung vào các thị trường lớn và thị trường cao cấp như  Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippin...trong đó:

- Phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt tỷ lệ khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh; Về lượng phấn đấu xuất khẩu vào năm 2025 đạt khoảng từ 45.000 tấn đến 50.000 tấn.

- Phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt khoảng 100.000 tấn.

1.3. Mục tiêu phát triển thương hiệu đến 2025 và đến năm 2030

- Đến năm 2025:

Gạo An Giang được nhận diện cũng như được yêu thích của người tiêu dùng.

- Từ năm 2026-2030:

+ Xây dựng và phát triển lòng trung thành của khách hàng đối với gạo thương hiệu An Giang.

+ Phấn đấu Gạo thương hiệu An Giang trở thành thương hiệu gạo quốc gia.

2. Nhiệm vụ, giải pháp: Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang được xây dựng trên cơ sở 4 Chương trình: Giống, canh tác, chế biến và quảng bá -xúc tiến thương mại.

* Chương trình giống

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai Chương trình giống phục vụ Đề án, cụ thể một số nội dung của Chương trình như sau:

- Nghiên cứu lai tạo, sàn lọc, tuyển chọn các giống lúa đáp ứng mục tiêu năng suất, chất lượng.

- Xây dựng bộ tiêu chí chất lượng sàn cần đạt cho thương hiệu gạo An Giang, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia vào Đề án.

- Xây dựng các quy trình canh tác đáp ứng yêu cầu của từng giống và theo điều kiện canh tác tỉnh An Giang.

- Giống lúa phục vụ xây dựng thương hiệu gạo An Giang luôn được nghiên cứu cải tiến, tổ chức đánh giá, nâng cấp phiên bản về chất lượng ít nhất 02 năm/lần.

- Giống lúa tuyển trọn được phân theo những dòng sản phẩm khác nhau (dòng gạo thơm, dòng gạo đặc sản, dòng gạo cao cấp,..), đáp ứng yêu cầu của từng phân khúc thị trường khác nhau, nhằm phục vụ các nhóm khách hàng có thu nhập, văn hóa, vùng miền khác nhau.

- Hàng năm cần có những Đề tài, dự án nghiên cứu khảo nghiệm, phục tráng các loại giống lúa; hoặc đề xuất mua quyền sở hữu các giống có triển vọng cao và phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh.

- Trong giai đoạn đầu của Đề án, chọn các giống tiêu biểu để xây dựng thương hiệu (lưu ý: giống thuần, kháng bệnh, đặc điểm sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ dưỡng An Giang, gạo thơm ngon đặc trưng, đáp ứng quy mô sản xuất lớn, tuân thủ các quy định về bản quyền,…); có thể lựa chọn thông qua các cuộc thi đấu xảo và các giống được nghiên cứu, phát triển từ Tập đoàn Lộc Trời. Trước tiên, có thể tập trung nghiên cứu lựa chọn và phát triển các loại giống phục vụ Đề án như: LT18, LT28, OM18,...

- Nghiên cứu du nhập các giống gạo ngon của nước ngoài về, để xây dựng thương hiệu cho thị trường nội địa.

- Thường xuyên rà soát và bổ sung các loại giống lúa mới vào bộ giống lúa phục vụ thương hiệu gạo của tỉnh. Nghiên cứu các giống lúa đặc sản chuyên phục vụ dự thi các giải gạo ngon trong nước và quốc tế.

- Thực hiện thuê chuyên gia nghiên cứu đề tài hoặc xây dựng báo cáo ngắn phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của các giống cho thương hiệu gạo An Giang so với các giống gạo của Thái Lan, Campuchia,... và các giống gạo ngon của Việt Nam đạt giải trong các kỳ thi quốc tế như ST25,...Từ đó, phát huy thế mạnh, đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế.

- Nghiên cứu Chương trình giống lúa có thể chia làm 03 giai đoạn: Từ nay đến 2023 và từ 2024-2025 và từ 2026 trở về sau.

- Thực hiện việc quản lý, kiểm tra, xác nhận việc sử dụng các bộ giống trên địa bàn cho các đối tượng tham gia Đề án.

* Chương trình canh tác

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai chương trình canh tác phục vụ Đề án.

- Chương trình sẽ xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng cho các vùng nguyên liệu tham gia Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang.

- Quy trình kỹ thuật canh tác lúa cần đảm bảo đạt tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu. Trong đó các khâu canh tác được tiêu chuẩn hoá (từ khâu làm đất chuẩn bị xuống giống đến khâu xuống giống, bón phân, quản lý nước, quản lý dịch hại, thu hoạch) và lấy tiêu chuẩn canh tác SRP 90 điểm làm điểm sàn, cũng như cần tham chiếu Nghị định 103/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu.

- Tổ chức lại sản xuất, đảm bảo chất lượng ổn định, tạo mạng lưới sản xuất giống từ nguyên chủng đến giống xác nhận gắn với doanh nghiệp sản xuất, ưu tiên các mô hình liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ.

- Quy hoạch vùng trồng cho các giống lúa phục vụ xây dựng thương hiệu An Giang. Giống lúa nào tương ứng với vùng sản xuất đó.

- Ưu tiên các vùng sản xuất lúa 02 vụ để phát triển nguồn nguyên liệu cho thương hiệu gạo An Giang.

- Có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện canh tác theo các tiêu chuẩn của thị trường phục vụ xây dựng thương hiệu.

- Tiếp tục phát triển các hợp tác xã, liên kết sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, phát triển thương hiệu gạo.

- Thực hiện việc quản lý, kiểm tra, xác nhận vùng nguyên liệu theo Chương trình canh tác được phê duyệt.

* Chương trình chế biến

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai Chương trình chế biến gạo phục vụ Đề án, cụ thể một số nội dung, yêu cầu của Chương trình như sau:

- Xây dựng một quy trình chế biến gạo đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước lẫn quốc tế (từ nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng đến tiêu chuẩn sản phẩm, bao bì đóng gói…).

- Chương trình chế biến gạo là cơ sở, tiêu chuẩn để áp dụng chung cho quy trình chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang.

- Chú trọng công nghệ sau thu hoạch, silo bảo quản và logistic đồng ruộng.

- Dây chuyến chế biến gạo đảm bảo môi trường phát thải như bụi và tiếng ồn,…

- Ưu tiên hỗ trợ công nghệ chế biến sâu về gạo, các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo.

- Thường xuyên rà soát cập nhật những quy định, hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn gạo đối với thị trường xuất khẩu và nội địa.

- Đề xuất, phối hợp các Sở, ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Thương hiệu gạo An Giang áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến,...

- Nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Đề án thương hiệu gạo An Giang đầu tư các dây chuyên chế biến gạo hiện đại, tiên tiến trên thế giới; hoàn thiện hệ thống lưu giữ, bảo quản, chế biến sau thu hoạch đảm bảo chất lượng gạo.

- Nghiên cứu công nghệ chế biến để phát triển dòng sản phẩm gạo còn cám, nguyên cám.

- Thực hiện việc quản lý, kiểm tra, xác nhận việc các doanh nghiệp chế biến gạo tham gia Đề án.

* Chương trình Quảng bá - Xúc tiến thương mại

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai các hoạt động của Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại gạo An Giang. Cụ thể một số nội dung, yêu cầu của Chương trình như sau:

- Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại gạo thương hiệu An Giang là cơ sở để đưa ngành hàng gạo An Giang đến với đông đảo người tiêu dùng, nhà phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước.

- Xây dựng một chương trình quảng bá gạo thương hiệu An Giang đảm bảo các hoạt động quảng bá truyền thông đồng bộ, đầy đủ các kênh truyền thông để có mức độ nhận diện thương hiệu tốt nhất nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các Doanh nghiệp tham gia Đề án xây dựng thương hiệu gạo An Giang đạt hiệu quả cao.

- Chương trình quảng bá thương hiệu là cơ sở, tiêu chuẩn để áp dụng chung cho quy trình xây dựng các hoạt động quảng bá truyền thông gạo mang thương hiệu An Giang chung cho các Doanh nghiệp tham gia.

- Chương trình sẽ quảng bá các dòng sản phẩm gạo được sản xuất, chế biến theo chương trình giống, canh tác và chế biến được UBND tỉnh phê duyệt.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá thương hiệu gạo An Giang trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử tỉnh và các Cổng thông tin điện tử địa phương; quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh (www.sanphamangiang.com,...).

- Chú ý gạo thương hiệu An Giang được đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu thụ tại các Siêu thị, hệ thống phân phối, bếp ăn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh An Giang. Đảm bảo người An Giang cũng như khách du lịch khi đến An Giang được cảm nhận, thưởng thức các loại gạo mang thương hiệu An Giang.

- Hình thành các gói quà tặng về đặc sản lúa gạo mang thương hiệu An Giang; tổ chức các cuộc thi nấu ăn thử để quảng bá.

- Đến năm 2025, gạo mang thương hiệu An Giang phải khẳng định được thị trường nội địa.

- Thuê tư vấn nghiên cứu định vị thị trường xuất khẩu và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường gạo xuất khẩu của An Giang.

- Hàng năm tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá gạo mang thương hiệu An Giang đến thị trường ngoài nước.

3. Thời gian thực hiện: Năm 2022- 2030

+ Giai đoạn 1 (Từ năm 2022-2025): Lựa chọn một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo điển hình của tỉnh tham gia Đề án.

+ Giai đoạn 2 (Từ năm 2026-2030): Trên cơ sở kết quả triển khai Đề án giai đoạn 1 cũng như kết quả vận hành của 04 chương trình (giống, canh tác, chế biến, quảng bá- xúc tiến thương mại) thực hiện mở rộng các doanh nghiệp tham gia trên cơ sở chấp thuận của UBND tỉnh.

4. Địa điểm thực hiện: Tỉnh An Giang

5. Giao cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư; Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thông tin- Truyền thông; Cục Thống kê; Cục Thuế; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND huyện, thị, thành phố; Đơn vị tham gia thực hiện (đối tượng thụ hưởng): các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh lúa gạo, các hợp tác xã và các hộ nông dân trồng lúa./.

Tiếp Thu (Nguồn: Quyết định 663/QĐ-UBND ngày 05/4/2022)