Ngày 14/9/2023, Diễn đàn kinh tế số - xã hội số do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT), Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức. Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT và TT; Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng chủ trì Diễn đàn và thu hút hơn 1.000 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; diễn giả thuộc các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế, chuyển đổi số (CĐS); các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, phát triển KTS, XHS là trọng tâm chiến lược của Việt Nam được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị; Chiến lược quốc gia phát triển KTS, XHS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ với những mục tiêu cụ thể là: Tỷ trọng KTS cần đạt 20% GDP vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 30% GDP; tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80% vào năm 2025, đạt 95% vào năm 2030; đến năm 2025 tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80% và trên 95% vào năm 2030...
Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số theo lộ trình đến năm 2025, toàn quốc đã hoàn thành 2/17 mục tiêu, 20/114 nhiệm vụ; tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước liên tục tăng, từ 11,91% năm 2021 lên 14,29% năm 2022 và gần 15% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Hiện có khoảng 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân Việt Nam với bình quân hơn 1 triệu người sử dụng/tháng; trong đó nền tảng có số lượng người dùng đông nhất đã đạt gần 75 triệu người sử dụng/tháng. Xu hướng tiêu dùng dịch vụ số của người dân tập trung chủ yếu ở 2 nhóm nền tảng thanh toán số và giải trí.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cảm ơn Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TT và TT đã luôn quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong suốt quá trình thực hiện lộ trình CĐS và tin tưởng lựa chọn Nam Định là địa điểm tổ chức Diễn đàn lần thứ nhất. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "Diễn đàn quốc gia phát triển KTS, XHS lần thứ nhất với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” đã thể hiện tầm nhìn, định hướng chiến lược trong phát triển KTS, XHS hướng đến tiện ích của từng người dân, từng hộ gia đình. Đây là cơ hội để Nam Định, các địa phương, các doanh nghiệp trong toàn quốc tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực thúc đẩy KTS, XHS phát triển. Nam Định đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình CĐS, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành CĐS gắn với các dịch vụ đô thị thông minh kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện cơ chế chiến lược thu hút, hỗ trợ thúc đẩy phát triển KTS, XHS của tỉnh, góp phần vào công cuộc CĐS quốc gia".
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Phát biểu chỉ đạo định hướng Diễn đàn, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận sự nỗ lực của Bộ TT và TT, UBND tỉnh Nam Định trong việc tổ chức Diễn đàn và mong muốn Diễn đàn trở thành sự kiện thường niên, tạo ra những chuyển đổi sâu sắc về nhận thức, hành động; huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước cùng thúc đẩy phát triển KTS, XHS. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ mục tiêu mà Chiến lược quốc gia phát triển KTS, XHS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đề ra là thách thức lớn trong bối cảnh tiến trình CĐS trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để tìm ra những giải pháp đột phá phát triển KTS, XHS, các đại biểu tham dự Diễn đàn cần tập trung thảo luận các vấn đề: Định hướng chiến lược phát triển KTS, XHS của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các xu hướng phát triển KTS gắn với phát triển thương mại điện tử nông thôn, phổ cập chữ ký số và các công nghệ tài chính số, dữ liệu số trong tiến trình CĐS. Đồng thời thảo luận rõ các vướng mắc, phương án gỡ khó trong quá trình phát triển KTS, XHS theo 6 nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền tảng khoa học đổi mới sáng tạo; thúc đẩy công nghệ số; hoàn thiện nền cơ sở dữ liệu số; đồng bộ các giải pháp CĐS nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái công dân số".
Trong khuôn khổ Diễn đàn, cùng với phiên cấp cao, thông qua 3 hội thảo chuyên đề về: “Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền KTS”; “Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng KTS, XHS toàn dân, toàn diện”; “Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển KTS và XHS”, các đại biểu trao đổi, thảo luận chia sẻ kiến thức quản lý và thúc đẩy CĐS, trong đó tập trung phát triển KTS, XHS tại Việt Nam, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu trải nghiệm, tiếp cận với các kinh nghiệm, giải pháp chuyển đổi số thông minh; mở ra cơ hội kết nối với doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong huy động nguồn lực, sử dụng các giải pháp, dịch vụ thúc đẩy CĐS, phát triển KTS, XHS cho địa phương, đơn vị mình./.