Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Khoa học công nghệ trong nước

An Giang tham dự hội thảo Sự thay đổi đa chiều của hệ thống sông Mekong dưới áp lực của con người và khí hậu

Ngày đăng : 21/11/2023
Tác giả : - Nguồn: MK
A+ A- In

Vào ngày 13 và 14/11/2023, tại phòng 101, Tầng G của Trường Đại học Fullbright, Trường Đại học Fullbright Việt Nam phối hợp Trường Đại học Colorado Hoa Kỳ tổ chức hội thảo quốc tế “Sự thay đổi đa chiều của hệ thống sông Mekong dưới áp lực của con người và khí hậu”.

Hội thảo do TS. Sơn Văn Nghiêm - Học viện Kỹ thuật California (Hoa Kỳ), GS. Robert Brakenridge - Trường Đại học Colorado, TS. Lâm Đạo Nguyên - Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TP.HCM và TS. Lê Việt Phú - Trường Đại học Fullbright đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có trên 50 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó tỉnh An Giang có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT và Trường Đại học An Giang cùng tham dự.

 

Hội thảo được tổ chức trong 4 phiên, gồm các hoạt động: Báo cáo khoa học, trưng bày poster, thảo luận và khảo sát thực địa tại trạm quan trắc TX. Tân Châu (tỉnh An Giang).

 

Mục đích hội thảo nhằm: Hệ thống các kiến thức và các ứng dụng liên quan sông Mekong; Xác định khoảng trống trong kiến thức khoa học, nhu cầu ứng dụng, dữ liệu còn thiếu và kết nối nhà khoa học với cộng đồng; Xác định các ưu tiên trong chủ đề nghiên cứu, khảo sát vị trí và dữ liệu ghi nhận theo thời gian và không gian cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy các nguồn tài trợ từ các quốc gia khác nhau. 

 

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày 20 báo cáo tham luận về các chủ đề: sự thay đổi đa chiều ở hạ lưu sông Mekong dưới tác động của con người và khí hậu – hiện trạng và giải pháp; mạng lưới giám sát sông Mekong của MRC – thực trạng giám sát mực nước, dòng chảy và phù sa; Năng lực giám sát và ứng dụng của Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam tại vùng Mekong; mô hình trong giám sát sự thay đổi của đồng bằng; ảnh hưởng của con người và khí hậu đến sự biến động phù sa trong dòng sông sông Mekong; các ứng dụng lý thuyết và thực tế trong đo đạc sóng ngắn thụ động phục vụ đo đạc sông và hồ; kết quả bước đầu trong việc ứng dụng sóng ngắn của dữ liệu vệ tinh NASA SMAP trong đo đạc đoạn sông, dòng chảy sông và hồ ở hạ lưu sông Mekong và sông Sài Gòn; kết quả sử dụng dữ liệu sóng ngắn thụ động trong theo dẽo sông và hồ - tiềm năng cho MRC; sự trao đổi năng lượng ven sông và nước trong mô hình hệ thống trái đất; sự thay đổi lớp phủ bề mặt đất dọc theo sông Mekong – truờng hợp nghiên cứu tại Lào và Vietnam; Đánh giá thảm họa dựa vào AI; theo dõi sụt lún đất bằng kỹ thuật InSAR – trường hợp nghiên cứu tại ĐBSCL và TP.HCM; ĐBSCL – thách thức và đo lường sự thích ứng; thiếu hụt nguồn nước tại ĐBSCL – nguyên nhân và giải pháp cho việc quản lý nguồn nước trong điều kiện BĐKH; tối ưu nguồn nước nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro; đánh giá ảnh hưởng của sự thay đổi nguồn tài nguyên lên con người khu vực hạ lưu sông Mekong; thay đổi hiện trạng sử dụng đất và bề mặt đất tại vùng Mekong; tiến trình xâm nhập mặn tại vùng ven biển ĐBSCL; đánh giá độ lan rộng As do tác động của con nguời – tiếp cận đa chiều nhằm đánh giá sự tổn thương mạch nước ngầm tại Vietnam. 

 

Ngoài ra, hội thảo cũng thu hút nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự nhằm làm rõ hơn các vấn đề nghiên cứu được trình bày, đề xuất các định hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL, dòng sông Mekong trong tương lai./.

 


 Quang cảnh buổi hội thảo

 

MK