Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

Chào mừng Kỷ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2024)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Xây dựng nông thôn mới

Nông dân xã Lê Chánh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Ngày đăng : 15/11/2016
Tác giả : - Nguồn: Hữu Hậu
A+ A- In

Là một xã nông thôn đặc thù làm kinh tế nông nghiệp, trong đó diện tích đất sản xuất là 1.348ha, số hộ có đất sản xuất là 1.421 hộ thuộc 02 vùng bờ Bắc và bờ Nam kênh Vĩnh An, đời sống của bà con nông dân chủ yếu làm nông nghiệp, làm thuê và mua bán nhỏ.

Trên cơ sở thưc hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; thời gian qua Hội Nông dân xã Lê Chánh (thị xã Tân Châu) luôn quan tâm đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân vì đây là khâu then chốt và quan trọng quyết định đến năng suất của từng loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa.

Cụ thể 8 tháng đầu năm 2016 Hội nông dân xã Lê Chánh phối hợp cùng Trạm Bảo vệ thực vật thị xã, Công ty BVTV An Giang (Tập đoàn Lộc trời) tổ chức trên 18 lượt buổi hội thảo và 06 lớp tập huấn IPM cho gần 560 lượt hội viên nông dân tham dự. Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn nhằm hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các kiến thức về chương trình 1 phải 5 giảm, chương trình IPM... từ đó giúp nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trần Thanh Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Chánh cho biết: Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua luôn được các cấp các ngành và nông dân đặc biệt quan tâm, vì đây là khâu then chốt quyết định đến năng suất của từng loại cây trồng; Bên cạnh đó một trong những yếu tố giúp người nông dân tăng năng suất, tăng thu nhập đó là áp dụng Chương trình IPM thuộc dự án WB6, đây là chương trình giúp người nông dân tiết kiệm được các loại chi phí từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch như: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón... Có thể nói đây là chương trình khoa học và tiên tiến nhất khi áp dụng vào sản xuất nông nghiệp

Thông qua công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, một số nông dân đã ứng dụng mang lại hiệu quả từ chương trình 1 phải 5 giảm vào sản xuất nông nghiệp như nông dân: Nguyễn Tấn Đức ngụ ấp Phú Hữu 2, xã Lê Chánh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ năm 2013 đến nay. Anh Đức chia sẽ: Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây đối với người nông dân là rất quan trọng, đặc biệt là chương trình 1 phải 5 giảm.

Trong đó 1 phải là phải dùng giống xác nhận, còn 5 giảm là giảm nước, giảm lượng giống gieo sạ; giảm phân bón và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Theo kinh nghiệm của người nông dân cứ một héc-ta lúa biết giảm nước vừa đủ một cách tiết kiệm, nông dân có thể được lợi thêm trung bình khoảng 300.000 đồng/ha (nhờ giảm được tiền mua xăng dầu phục vụ bơm tưới trong mỗi vụ), giảm thất thoát sau thu hoạch, một việc rất cần thiết để tăng thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, anh còn cho biết thêm: Khi áp dụng chương trình 1 phải 5 giảm, điều đầu tiên là nó sẽ thay đổi được thói quen cũ trong sản xuất, giảm lượng lúa giống từ 200kg xuống còn 100kg/ha/vụ; tiết kiệm điện, xăng dầu bơm tưới, tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Đối với Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa, Nông dân Nguyễn Văn Đực ngụ ấp Vĩnh Thạnh 1 chia sẽ: Trong thời gian qua, từ khi áp dụng Chương trình IPM trên cây lúa, quả nhiên mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí, từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch; cụ thể với diện tích 1ha bố trí 3 mật độ sạ, làm theo chương trình IPM, sạ từ 12kg đến 15kg lúa giống thì hiệu quả kinh tế mang lại đáng kể. Bên cạnh đó, còn phải biết cách xử lý giống, xử lý đồng ruộng, cách xuống giống, thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh, để có biện pháp phòng tránh.

Có thể nói, công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã thật sự tạo sức lan tỏa trong nhân dân và đây cũng là một bước tiến mới giúp người nông dân mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, thời gian tới Hội nông dân xã Lê Chánh tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các ngành liên quan tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức nhiều buổi hội thảo tập huấn cho nông dân, giúp nông dân áp dụng các kiến thức mới vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.