Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng

Tập huấn TBT cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Hiệp hội đối với ngành hàng xuất khẩu trọng điểm

Ngày đăng : 03/10/2022
Tác giả :
A+ A- In

Ngày 23/9/2022 thực hiện công tác cập nhật, bổ sung thông tin và kiến thức nghiệp vụ về TBT nhằm duy trì hoạt động và nâng cao năng lực cho cán bộ của Mạng lưới TBT Việt Nam, Văn phòng TBT Việt Nam tổ chức “Tập huấn TBT cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Hiệp hội đối với ngành hàng xuất khẩu trọng điểm” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự chương trình tập huấn có Ông Cao Xuân Quân - Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Trưởng Phòng Nghiệp vụ cùng các cán bộ Văn phòng TBT Việt Nam; đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng một số tỉnh, thành phố thuộc Mạng lưới TBT Việt Nam, đại diện Hiệp hội và Doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Cao Xuân Quân Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam cảm ơn sự quan tâm và tham gia của các đại biểu, khẳng định lại vai trò của Mạng lưới TBT nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong xu thế hội nhập hiện nay.

Ông Cao Xuân Quân - Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam phát biểu khai mạc

Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Mai Phương – Trưởng phòng Nghiệp Vụ Văn phòng TBT Việt Nam có bài giới thiệu chuyên đề Triển khai cam kết TBT của Việt Nam và quy định ghi nhãn, bao bì đối với thực phẩm/nông sản tại một số thị trường trọng điểm. Đã giới thiệu tóm lược một số nội dung của Hiệp định TBT/WTO, phạm vi áp dụng của Hiệp định là các loại hàng hoá bao gồm Nông nghiệp và Công nghiệp và không áp dụng đối với loại hình Dịch vụ, Mua sắm Chính phủ, các biện pháp SPS. Đối tượng được quy định là Máy móc thiết bị, nguyên liệu và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, các sản phẩm tiêu dùng. Các biện pháp TBT (áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn của sản phẩm, thủ tục đánh giá sự phù hợp); Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định gồm 4 nguyên tắc chung (không phân biệt đối xử, khuyến khích khả năng tuyên đoán khi tiếp cận thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, đối xử khác biệt cho các nước đang phát triển) và 2 nguyên tắc riêng (tránh rào cản không cần thiết cho thương mại, khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc tế).

- Tình hình thực thi Hiệp định TBT của Việt Nam (đến tháng 9/2022) đã thông báo được 262 thông báo; xử lý khoảng 3.000 thông báo đến của các nước Thành viên WTO; trả lời các câu hỏi/góp ý có liên quan tới TBT cho các bên trong và ngoài nước; cảnh báo xuất khẩu cho các Bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp. Xử lý 12 quan ngại thương mại liên quan tới các biện pháp kỹ thuật của Việt Nam.

- Quy định ghi nhãn, bao bì đối với thực phẩm/nông sản tại một số thị trường trọng điểm đã giới thiệu:

+ Tại thị trường EU  gồm một số yêu cầu chủ yếu như: Tên của thực phẩm/nông sản; Danh mục thành phần; Thành phần hoặc chất hỗ trợ chế biến gây dị ứng hoặc không dung nạp; Trọng lượng tịnh; Tên và địa chỉ của nhà cung cấp thực phẩm; Hướng dẫn sử dụng; Công bố về dinh dưỡng; Số lô; Nước xuất xứ; Tên và địa chỉ của công ty đóng gói/phân phối; …chi tiết từng loại thực phẩm/nông sản tham khảo tại trang web: https://ec.europa.eu/food/safety/labelling_nutrition/labelling_legislation_en/food_labelling_information_system/start/select-category.

+ Tại thị trường Trung Quốc: Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2015 của Trung Quốc, thực phẩm đóng gói sẵn phải được dán nhãn và phải bao gồm các thông tin sau: Tên, đặc điểm kỹ thuật, trọng lượng tịnh và ngày sản xuất; Bảng thành phần hoặc công thức; Tên nhà sản xuất, địa chỉ và thông tin liên hệ; Hạn sử dụng; Mã của (các) tiêu chuẩn sản phẩm; Yêu cầu lưu trữ; Tên chung của các chất phụ gia thực phẩm được sử dụng trong tiêu chuẩn quốc gia; Số giấy phép sản xuất; Các thông tin khác phải được chỉ ra theo luật, quy định và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hiện hành.

+Tại thị trường Hoa kỳ các yêu cầu chủ yếu gồm: Tên sản phẩm; Nước sản xuất; Các thông tin dinh dưỡng; Thành phần; Khối lượng tịnh; Cảnh báo (dị ứng, tác dụng phụ, …);Tên và địa chỉ nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, đóng gói. Ngoài ra nhà xuất khẩu các mặt hàng là thực phẩm, dược phẩm khi muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ thì phải tuân thủ tất cả những yêu cầu khắc khe của FDA và phải đăng ký tài khoản FDA. Tham khảo chi tiết tại trang web: https://www.fda.gov/food/food-labelling-nutrition

Cũng tại chương trình tập huấn, ông Nguyễn Trọng Nhân – Chuyên viên Văn phòng TBT Việt Nam có bài giới thiệu cách tra cứu thông tin về TBT tại trang EPING theo địa chỉ: http://www.epingalert.org. Đây là hệ thống cảnh báo trực tuyến, quản lý thông báo và giải quyết các vấn đề về hàng rào kỹ thuật ngay từ bản dự thảo. Hệ thống này cho phép truy cập vào các thông báo về Hàng rào kỹ thuật (TBT) và các Biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của các thành viên WTO và hướng dẫn cách đăng ký và sử dụng tài khoản tại trang EPING. Đồng thời, ông Hoàng Công Duy - Phòng nghiệp vụ công nghiệp Việt Nam giới thiệu Công cụ MacMap (Market Access Map)-Bản đồ tiếp cận thị trường là một cổng thông tin trực tuyến miễn phí cho phép người dùng truy cập, so sánh, phân tích và tải xuống các biểu thuế hải quan, hạn ngạch thuế quan, các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp phi thuế quan áp dụng cho một mặt hàng cụ thể ở bất kỳ thị trường nào trên thế giới (https://www.macmap.org).

Ngoài ra, các đại diện của Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương và Hiệp hội chế và xuất khẩu thuỷ sản cũng chia sẽ các thông tin liên quan tại Chương trình tập huấn.

Chương trình tập huấn đã được các báo cáo viên chia sẻ, cung cấp những thông tin, kiến thức về những vấn đề cốt lỗi trong việc thực thi các cam kết về Hiệp định TBT của WTO. Trong thời gian tới, Văn phòng TBT kết hợp cùng Mạng lưới TBT sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, định kỳ hằng năm tổ chức chương trình tập huấn để kịp thời cung cấp thông tin và để đáp ứng nhu cầu hỏi đáp về TBT, bảo đảm thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về TBT trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết./.

Quang Sang