Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Hoạt động Sở, Ngành

UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong các tháng còn lại năm 2022

Ngày đăng : 07/05/2022
Tác giả :
A+ A- In

Để tiếp tục chủ động điều hành giá đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời trong 9 tháng còn lại của năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 431/UBND-KTTH về việc thực hiện điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong các tháng còn lại năm 2022. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung vào những giải pháp sau:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 197/UBND-KTTH ngày 04/3/2022 về việc triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá các mặt hàng theo thẩm quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình bình ổn thị trường phù hợp với điều kiện tại địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; tăng cường giám sát, kịp thời ngăn chặn những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tăng cường triển khai các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng (xăng, dầu, điện...) nhằm góp phần tiết giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm chi phí xã hội, thúc đẩy bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp, cụ thể:

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá: Trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, các phương án thực hiện, đánh giá tác động đến mặt bằng giá và kinh tế xã hội...).

Xăng dầu:

Sở Công Thương theo dõi, giám sát, nắm bắt thông tin về nguồn cung cầu xăng dầu trên địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; thường xuyên kiểm soát thị trường để chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước, nhất là khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường.

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ kê khai giá các mặt hàng xăng dầu và công khai thông tin về giá theo quy định.

Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ kê khai và công khai thông tin về giá các mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Sở Công Thương theo dõi, giám sát nguồn cung khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các Tổng đại lý khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tại các cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, an toàn phòng cháy chữa cháy,... trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý theo quy định.

Vật liệu xây dựng

Sở Xây dựng tăng cường việc theo dõi, cập nhật báo cáo Bộ Xây dựng tình hình biến động giá vật liệu xây dựng và triển khai kịp thời các biện pháp bình ổn thị trường vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn; cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ kê khai giá vật liệu xây dựng (xi măng, thép, cát, đá xây dựng) và công khai thông tin về giá; kiểm tra mức giá kê khai theo đúng quy định tại Luật Giá; tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp lợi dụng đầu cơ tăng giá bất hợp lý.

Dịch vụ vận tải đường bộ: Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Thức ăn chăn nuôi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Sở Giao thông vận tải phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động logistic, vận chuyển mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ kê khai giá và công khai thông tin về giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi; tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thịt lợn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh; phối hợp Sở Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định, cân đối nguồn cung để ổn định giá thịt lợn.

Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu trái phép thịt lợn hơi qua biên giới.

Phân bón

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc lưu thông, cung ứng vật tư nông nghiệp, chú trọng biện pháp kiểm soát chất lượng, kịp thời xử lý nghiêm minh đối với hàng hoá không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định pháp luật.

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ kê khai giá các mặt hàng phân bón (phân đạm urê, phân NPK) và công khai thông tin về giá phân bón để tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Gạo

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương theo dõi tình hình sản xuất mặt hàng gạo phục vụ nhu cầu trong nước giữa các vùng, các địa phương và xuất khẩu thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; đồng thời tạo điều kiện cho sản xuất gieo trồng, có giải pháp hỗ trợ kịp thời về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ kê khai giá và công khai thông tin về giá mặt hàng gạo theo quy định.

Vật tư, trang thiết bị y tế: Sở Y tế tiếp tục chủ động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế để có các biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở, ngành báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá và tổ chức thực hiện việc bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.

Nguyễn Hùng