Chiều ngày 17/10/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức Hội đồng Khoa học và công nghệ (KH&CN) tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở “Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình sử dụng trong sản xuất rau, màu” thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang đến năm 2025, do Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang chủ trì, ThS. Nguyễn Ngọc Giàu làm Chủ nhiệm.
Hội đồng do ông Tầng Phú An - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang làm Chủ tịch, cùng các thành viên đến từ Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Sở Khoa học và Công nghệ An Giang tham dự.
Sau thời gian thực hiện 12 tháng (8/2023 - 7/2024), kết quả đạt được:
- Xây dựng được 01 quy trình sản xuất phân hữu cơ (compost) từ nguyên liệu lục bình với thời gian ủ tạo ra sản phẩm phân hữu cơ dưới 30 ngày và giá thành sản phẩm thấp hơn tối thiểu 20% so với sản phẩm cùng loại (phần compost) trên thị trường.
- Chất lượng phân hữu cơ (compost) được sản xuất từ nguyên liệu lục bình đảm bảo theo TCVN 7185:2002 (độ ẩm ≤ 35%, pH từ 6,0 - 8,0, N≥25, P= 2,5%, K tổng số ≥ 1,5%, Pb < 200 mg/kg, Hg ≤ 2 mg/kg, Salmonella = 0); tỉ lệ C/N<12% (QCVN 01-189:2019).
- Chất lượng sản phẩm cải ngọt (sử dụng phân hữu cơ sản xuất từ lục bình) đáp ứng yêu cầu về hàm lượng Nitrate ≤ 500 mg/kg (theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008).
- Đánh giá hiệu quả phân hữu cơ (compost) từ nghiệm thức tối ưu trong điều kiện thực tế sản xuất cải ngọt (trên cơ sở khảo nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học và hộ dân Trần Văn Thơi (Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên).
Một số hình ghi nhận nội dung thực hiện nhiệm vụ
- Tổ chức 01 lớp tập huấn cho người dân, cán bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất phân hữu cơ (compost) từ lục bình và quy trình canh tác cải ngọt sử dụng phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình, với trên 40 đại biểu tham dự (đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chợ Mới; các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ sản xuất rau, màu trên địa bàn thành phố Long Xuyên).
Sau khi nghe Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, các thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá cao và thống nhất nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Chủ nhiệm báo cáo kết quả nhiệm vụ tại Hội đồng
Kết quả sau khi nghiệm thu chính thức dự kiến sẽ chuyển giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Hợp tác xã và các tổ chức, người dân sản xuất rau, màu trên địa bàn tỉnh An Giang có yêu cầu ứng dụng và nhân rộng theo quy định hiện hành./.
P.K