Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

Chào mừng Kỷ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2024)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Hoạt động Khoa học công nghệ

Hội thảo khoa học: Định hướng và giải pháp cho tăng trưởng TFP của tỉnh An Giang

Ngày đăng : 23/09/2024
Tác giả : - Nguồn: Nguyễn Văn Nhanh
A+ A- In

 

Vào sáng ngày 18/9/2024, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học tại Nhà hàng Đông Xuyên (TP. Long Xuyên). Hội thảo tập trung vào định hướng và giải pháp tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity) nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho tỉnh An Giang. Đây là một phần của đề tài nghiên cứu do Tiến sĩ Ngô Hoàng Thảo Trang chủ nhiệm, đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, với mục tiêu tăng cường đóng góp của TFP vào phát triển kinh tế tỉnh An Giang đến năm 2030. 

Hội thảo được chủ trì bởi Thạc sĩ Tầng Phú An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của hơn 30 đại biểu. Trong đó có Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia kinh tế từ các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn có đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong hai ngành kinh tế chủ lực của tỉnh là lúa gạo và thủy sản.

Quang cảnh Hội thảo Khoa học: Định hướng và giải pháp cho tăng trưởng TFP tỉnh An Giang

Hội thảo tập trung vào các vấn đề cốt lõi xoay quanh TFP, với ba tham luận chính, nêu bật các khía cạnh về đo lường, phân tích và giải pháp nâng cao TFP của tỉnh An Giang:

1. Tham luận 1: Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo trình bày về phương pháp đo lường năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) theo hạch toán tăng trưởng và hồi quy. Tham luận làm rõ cơ sở khoa học và phương pháp kỹ thuật để đánh giá chính xác sự đóng góp của lao động và vốn vào tăng trưởng kinh tế. Kết quả so sánh TFP của An Giang với các tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giữa các ngành nghề trong tỉnh đã nêu bật những thách thức và đề xuất chính sách mà chính quyền tỉnh cần quan tâm để cải thiện TFP.

2. Tham luận 2: Tiến sĩ Hồ Quốc Thông phân tích năng suất TFP của An Giang và các tỉnh ĐBSCL theo kỹ thuật biên. Bài tham luận cung cấp cái nhìn so sánh về năng suất giữa các tỉnh, chỉ ra điểm mạnh, yếu của An Giang. Với TFP được xếp hạng cao nhất vùng, tham luận đề xuất những chính sách cần thiết để An Giang duy trì và phát triển TFP trong tương lai.

3. Tham luận 3: Tiến sĩ Ngô Hoàng Thảo Trang đánh giá năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong hai ngành chế biến thủy sản và sản xuất lúa gạo - những ngành kinh tế chủ lực của An Giang. Tham luận nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến TFP và đề xuất các giải pháp nâng cao đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tỉnh đến năm 2030, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp trong hai ngành này.

Tiến sĩ Hồ Quốc Thông trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo ghi nhận được hơn 10 ý kiến có giá trị từ các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là ý kiến của đại diện doanh nghiệp 02 ngành Thủy sản và Lúa gạo. Thảo luận tập trung vào các khía cạnh sau:

- Thứ nhất là, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp: Đại biểu đề cập đến nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đặc biệt là trong các ngành then chốt của An Giang như Lúa gạo và Thủy sản. Bên cạnh đó, cần đào tạo bài bản năng lực lãnh đạo, quản lý của chủ doanh nghiệp vì họ là đầu tàu giúp định hướng cho con thuyền doanh nghiệp đi xa và đi đúng hướng.

Thứ hai là, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ từ chính quyền trong việc cải thiện năng suất lao động thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, thuế, và phát triển nguồn nhân lực.

Thứ ba là, liên kết vùng và hợp tác quốc tế: Một trong những giải pháp quan trọng là sự hợp tác chặt chẽ giữa An Giang với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như việc tận dụng các nguồn lực quốc tế để tiếp thu công nghệ mới và phát triển sản xuất bền vững.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu và đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, bổ sung vào đề tài để hoàn thiện và nghiệm thu vào tháng 10 năm nay. Thạc sĩ Tầng Phú An cũng bày tỏ lời cảm ơn, đồng thời cho biết các ý kiến sẽ được tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng TFP, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững của An Giang trong những năm tới.

Nguyễn Văn Nhanh
(Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh An Giang)