Ngày 30/10/2023, Sở khoa học và Công nghệ An Giang đã tổ chức Hội đồng khoa học và công nghệ xét duyệt nội dung dự án Ứng dụng và hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng Ri 6 và Dona tại tỉnh An Giang do ThS. Trần Ngọc Phương Anh chủ nhiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chủ trì. Thời gian thực hiện dự án: 12 tháng (từ tháng 4/2024 đến tháng 03/2025 (Do đây là thời điểm áp dụng quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ). Hội đồng do ThS. Hoàng Thị Thanh Thủy (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ) làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng đến từ Văn phòng UBND tỉnh, Trường Đại học An Giang, Chi Cục Trồng trọt và BVTV An Giang, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và đại diện phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tham dự Hội đồng.
Hình ảnh Hội đồng khoa học và công nghệ xét duyệt nội dung dự án
Mục tiêu chung của dự án là Xây dựng mô hình ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất thực tế của bà con nông dân, giúp chuyển giao/lan tỏa nhanh và nâng cao được kiến thức cho bà con nông dân và cán bộ nông nghiệp địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó, mục tiêu cụ thể là:
- Xây dựng 02 mô hình xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng Ri-6 và Dona tại huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú, mỗi mô hình được thực hiện trên diện tích 3.000m2, năng suất vườn đạt từ 12 tấn/ha/năm.
- Nắm bắt được kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ để chủ động trong sản xuất hạn chế được rủi ro và phục vụ du lịch sinh thái.
- Đào tạo 60 nông dân thông qua tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng Ri 6 và Dona tại huyện Châu Phú và huyện Chợ Mới.
- Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây sầu riêng cho tỉnh An Giang.
Sau khi nghe chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt thuyết minh, các thành viên Hội đồng thống nhất triển khai thực hiện dự án vì việc hỗ trợ thực hiện dự án phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng của tỉnh và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đơn vị chủ trì và chủ nhiệm cần nghiên cứu chỉnh sửa theo các góp ý của Hội đồng như: Phân tích hiện trạng trồng sầu riêng của 02 huyện Chợ Mới và Châu Phú, để đề xuất cơ sở chọn hộ thực hiện cũng như chỉ tiêu về năng suất, chất lượng; Bổ sung phương án xử lý đối với vụ thuận cho mô hình dự kiến áp dụng xử lý ra hoa nghịch vụ. Xác định cụ thể thời điểm chính vụ và thời điểm xử lý ra hoa nghịch vụ đối với điều kiện canh tác của tỉnh An Giang; Làm rõ các mục tiêu cụ thể của dự án, cần bổ sung đánh giá thực trạng năng suất, phẩm chất trái để nêu ra mục tiêu cụ thể hơn, bổ sung tỷ lệ trái sầu riêng loại A, B; Bổ sung kinh phí thu mẫu kiểm tra chất lượng,… nhằm hoàn chỉnh thuyết minh và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tiến hành các bước tiếp theo./.
DQ