Ngày 10/01/2025, UBND huyện Châu Phú tổ chức đoàn công tác tham quan học tập mô hình đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.
Trưởng đoàn là Ông Lê Quốc Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, cùng hơn 25 thành viên đoàn là đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT; phòng Kinh tế - Hạ tầng; Hội Nông dân; trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; trạm Khuyến nông huyện; lãnh đạo UBND các xã phụ trách lĩnh vực kinh tế - nông nghiệp và các nông dân tham gia thực hiện dự án trên địa bàn huyện Châu Phú.
Thành viên đoàn tham quan
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận cho biết Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận tại huyện Vĩnh Thạnh được chọn để thí điểm mô hình tại Cần Thơ, qua triển khai mô hình đã mang lại những kết quả rõ rệt khi giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đã thành công và mang lại kết quả bước đầu, lợi nhuận của người dân tăng, giảm chi phí sản xuất trong suốt quá trình canh tác và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận chia sẻ thông tin với Đoàn tham quan
Bên cạnh, Đoàn được đại diện Hợp tác xã giới thiệu tham quan quan trực tiếp mô hình điểm tuần hoàn quy mô 512 hec ta với 130 hộ tham gia. Sử dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân, áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; phương pháp xử lý rơm rạ; tưới ngập khô xen kẽ; đo đạc và báo cáo phát thải khí nhà kính; rút nước ở từng giai đoạn sau sạ… qua đó Đoàn cũng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà các hộ tham gia đề án gặp phải trong quá trình sản xuất, từ đó cùng thảo luận đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đoàn tham quan ruộng lúa nằm trong mô hình
Nông dân tham khảo quy trình canh tác tại mô hình
Rơm được lấy ra khỏi ruộng, một phần làm nguyên liệu trồng nấm rơm và chế biến phân bón để đưa trở lại đồng ruộng, một phần được bán cho các thương lái thu gom
Áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong mô hình
Qua chuyến tham quan thực tế mô hình, giúp các thành viên trong đoàn và hộ nông dân mở rộng kiến thức để các nông dân có thêm động lực, niềm tin và mạnh dạn áp dụng thực hiện trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án một triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại địa phương trong thời gian tới./.
MK
MK