Sở Khoa Học Công Nghệ    
 
 
 
Liên kết website
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
Hoạt động Sở, Ngành
(20/12/2022)

Ngày 12/12/2022, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước trình bày tại kỳ họp lần thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy:

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022;

phương hướng nhiệm vụ năm 2023

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân quay trở về bình thường mới. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang năm 2022 có nhiều khởi sắc và tăng trưởng đáng kể. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định; công nghiệp và dịch vụ chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới vẫn được đảm bảo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 ước đạt 6,87%, vượt kế hoạch mà tỉnh đề ra (5,20%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,90%; khu vực thương mại và dịch vụ tăng 8,66%; thuế trừ trợ cấp tăng 6,27%. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt khoảng 102.720 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 53,907 triệu đồng/năm (tương đương 2.278 USD). Về cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang năm 2022: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 34,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 16,12%; khu vực thương mại và dịch vụ chiếm 46,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,50%. Dự báo năm 2022, tỉnh An Giang thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra, trong đó có 06 chỉ tiêu vượt và 09 chỉ tiêu đạt.

Tiếp tục chủ động các phương án ứng phó với dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh tiêm ngừa vắc – xin cho người dân ở các nhóm tuổi, đặc biệt đẩy mạnh tiêm ngừa mũi nhắc lại; đảm bảo an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, trường học và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; duy trì và đảm bảo tốt các hoạt động khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng các hoạt động y tế cơ sở. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Trong năm 2022, số ca mắc mới được phát hiện giảm mạnh, không có trường hợp tử vong.

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh An Giang có nhiều khởi sắc, vượt kế hoạch và chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra. Khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực thương mại và dịch vụ tăng trưởng mạnh. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù giảm về sản lượng, song người nông dân đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Kết quả này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang phù hợp với bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Công tác chăm lo đối với các đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện chu đáo; tiếp tục thực hiện thiết thực, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác bình đẳng giới. Về lao động - việc làm, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đưa lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 30.926 người, đạt 154,26% chỉ tiêu; giải quyết 22.188 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí trên 373 tỷ đồng; tư vấn việc làm cho hơn 30.000 lượt lao động; hỗ trợ 343 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 68% trên tổng số lao động của nền kinh tế.

Trong năm 2023, tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, là điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7,0 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người từ 60,52 - 62,03 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 01 - 1,2% năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,75%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 13,64% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 10,93% lực lượng nông dân và lao động phi chính thức trong độ tuổi; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 12,53% lực lượng lao động trong độ tuổi. Có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Tập trung triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tập trung chuẩn bị khởi công dự án Tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến ngày 30 tháng 4 năm 2023).

Triển khai Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã. Xây dựng cổng/kênh cung cấp thông tin (thường xuyên cập nhật thông tin) và dự báo thị trường nông sản tới các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm định hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản để kịp thời điều phối, kết nối tiêu thụ nông sản cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh An Giang; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Thực hiện các hoạt động quảng bá, kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp; thu thập đầy đủ thông tin cơ sở dữ liệu quản lý cụm công nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.  

Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hàng năm về thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh An Giang. Phối hợp triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng hiệu quả hơn.

Tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Triển khai thực hiện hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Xây dựng các tour, tuyến du lịch tiêu biểu, kết nối các điểm du lịch đặc sắc của vùng.

Triển khai hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; nhanh chóng kịp thời ban hành các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Triển khai thực hiện Quyết định số 825/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025; đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương để cùng phát triển...

Nguyễn Hùng

Trang... 22 trong 22
4
trong 22
5
trong 22
6 trong 22
7 trong 22
8 trong 22 9 trong 22 10 trong 22 11 trong 22 12 trong 22 13 trong 22 ... 22 trong 22

 
 
 
 
Skip portlet Portlet Menu
Skip portlet Portlet Menu
Đang tải video..
Skip portlet Portlet Menu

Thông tin cần biết
  Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
Chịu trách nhiệm: Phan Thị Yến Nhi - Phó Giám đốc - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang.
Cơ quan chủ quản: Sở Khoa học và Công nghệ An Giang.
Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 27/10/2015 - Cơ quan cấp phép: Sở Thông tin và Truyền thông An Giang.
Điện thoại: (02963) 852212 - Fax: (02963) 854598 ** E-mail: sokhcn@angiang.gov.vn