Nhằm tham vấn các bên có liên quan về công cụ hỗ trợ ra quyết định trong việc quản lý đồng bằng (Deltas Toolkit), Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP. HCM tổ chức cuộc họp tại Hội trường tầng trệt Khu phức hợp phòng thí nghiệm (RLC) Trường Đại học Cần Thơ vào ngày 06/9/2024. Chủ trì cuộc họp là TS. Lê Văn Lâm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ và bà Alexandra Smith – Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP. HCM, cùng sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà khoa học đến từ Anh, Úc, Đại học Cần Thơ và các nhà quản lý, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
GS. Andy Large – Giám đốc Dự án Living Deltas và GS. Andrew Henderson – Phó Giám đốc Dự án Living Deltas (Trường Đại học Newcastle, Vương Quốc Anh) trình bày kết quả Dự án Living Deltas Hub giai đoạn 2019 – 2024 và định hướng kế hoạch tương lai – Mạng lưới quốc tế nghiên cứu Đồng bằng. Theo đó, ông cho biết Dự án được thực hiện vì khả năng phục hồi của đồng bằng, nhằm đối phó với những xáo trộn, duy trì các chức năng thiết yếu, không hạn chế triển vọng sinh kế lâu dài. Các hợp phần cụ thể: bảo tồn, phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái; quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai; đa dạng hoá sinh kế và thích ứng; tăng cường năng lực của các cộng đồng Đồng bằng Châu thổ; khả năng chống chịu và an sinh của cộng đồng Đồng bằng Châu Thổ.
GS. Andy Large – Giám đốc Dự án Living Deltas (Trường Đại học Newcastle, Vương Quốc Anh) trình bày kết quả Dự án Living Deltas Hub giai đoạn 2019 – 2024
Sau 05 năm triển khai, Dự án đã triển khai 130 nghiên cứu, xây dựng được các minh chứng, kết nối các bên liên quan, nâng cao năng lực và xây dựng được HUB kết nối phát triển và các ông cũng chia sẻ kinh nghiệm phục hồi đồng bằng của Banglades. Bên cạnh, các ông cũng chia sẻ các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án như vấn đề thủ tục và thiếu kinh phí triển khai tại một số giai đoạn của dự án.
PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ) trình bày kết quả xây dựng nền tảng quản lý dữ liệu về chất lượng nước ĐBSCL. Mục tiêu của công cụ này là làm sao tạo được mạng lưới liên kết và chia sẻ dữ liệu giữa các bên có liên quan trong khu vực, đưa thông tin thành giá trị sử dụng tốt nhất. Tại tỉnh An Giang, nhóm nghiên cứu đã có 08 trạm quan trắc tự động và 45 trạm quan trắc bằng tay, hỗ trợ cán bộ địa phương nâng cao năng lực.
TS. Hứa Hồng Hiểu (Trưởng Bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học xã hội & nhân văn, Trường Đại học cần Thơ) trình bày kết quả về đánh giá rủi ro cho các sinh kế vùng ven biển ĐBSCL. Trong đó, rủi ro liên quan đến thiên tai như bão, lụt, thủy triều, sói lỡ, kết hợp lụt và thủy triều được quan tâm ở các mức độ ưu tiên khác nhau tại các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.
TS. Nguyễn Văn Kiền (Trường Đại học An Giang và Truờng Đại học Quốc gia Úc), trình bày hệ thống nông nghiệp và thực phẩm thông qua Mô hình thuần tự nhiên trong thích ứng với tác động của biến đối khí hậu. Ông chia sẻ mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ tại Úc và tiềm năng cho Việt Nam. Trường hợp chuyển hướng canh tác cây lúa từ tự nhiên sang áp dụng kỹ thuật để giảm phát thải khí nhà kín. Các nước có chứng nhận hữu cơ trên thế giới và diện tích canh tác lúa hữu cơ các tỉnh ĐBSCL đến 2023. Xu hướng sắp tới, để nông nghiệp hữu cơ phát triển cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp – HTX – nông dân.
Bên cạnh, tại phiên thảo luận các đại biểu tham dự đề nghị sắp tới dự án cần có sự tham gia của cơ quan Đảng, đoàn thanh niên, sự liên kết nhà nước – nhà khoa học và các bên liên quan khác; giới thiệu nhiều giải pháp sinh kế giúp nông dân thích ứng biến đối khí hậu; dự án thành công cần có sự kết nối, chia sẻ của các bên liên quan, mỗi người một góc độ khác nhau sẽ giúp nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn - đây cũng là mong nuốn của dự án. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng trải nghiệm công cụ hỗ trợ ra quyết định trong việc quản lý đồng bằng (Deltas Toolkit)./.
MK
Quan cảnh cuộc họp
Bà Alexandra Smith – Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP. HCM phát biểu tại cuộc họp
TS. Lê Văn Lâm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp
MK