Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng trình bày tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân dân tỉnh cho thấy:
Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 5,29% cao hơn mức tăng của năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,58%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,92%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,82% và khu vực dịch vụ tăng 7,04%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục theo hướng tích cực, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 29,96% (cùng kỳ 30,94%); khu vực công nghiệp - xây dựng, chiếm 14,52% (cùng kỳ 13,71%); khu vực dịch vụ, chiếm 53,70% (cùng kỳ 53,98%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, chiếm 1,82% (cùng kỳ 1,37%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 48.871,4 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 351,01 triệu USD, đạt 42,8% so kế hoạch năm và bằng 97,41% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 61,3% so dự toán, bằng 117% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện 4.927 tỷ đồng, đạt 42% dự toán, đạt 113,8% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới toàn tỉnh có 326 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp An Giang là 2.201 tỷ đồng. So với cùng kỳ tăng 132,61%.
Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường; thường xuyên giám sát dịch tễ, phát hiện sớm những ca bệnh và ngăn chặn kịp thời không cho dịch lớn xảy ra. Toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 7.500 người, đạt 30% kế hoạch năm. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã ký 46 hợp đồng, 52 lớp, 1.780 học viên. Đã giải quyết việc làm cho 14.400 lao động, trong đó lao động trong tỉnh 10.448 người, ngoài tỉnh 3.483 người, xuất khẩu lao động 43 người.
Công tác cải cách hành chính được các ngành, các cấp quan tâm, các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm đã tiến hành 18 cuộc thanh tra trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tại 37 cơ quan đơn vị (cấp tỉnh 08 cuộc, cấp huyện 10 cuộc). Qua kết quả thanh tra, kiểm tra nhìn chung các đơn vị thực hiện tương đối tốt công tác phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm đạt kết quả thấp, một phần do ảnh hưởng của sự khan hiếm nguồn cát xây dựng; Công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt hiệu quả chưa cao. Tình hình xuất khẩu của tỉnh gặp nhiều khó khăn, 03 mặt hàng xuất khẩu (gạo, thủy sản, rau màu) tiếp tục gặp khó khăn trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là gạo và thủy sản. Gạo tiếp tục chịu sự cạnh tranh về giá và chịu sự chi phối thị trường của gạo Thái Lan và từ các đối thủ (Ấn Độ, Campuchia)...; Thủy sản gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu (giá cá tra nguyên liệu đang ở mức khá cao, nguồn nguyên liệu hạn chế).
Nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng có nâng lên nhưng còn chậm, một số địa phương chưa tích cực, chủ động trong kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường. Tình hình khai thác khoáng sản cát núi, cát sông trái phép trong thời gian qua và ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở nhỏ xen kẻ trong khu dân cư là vấn đề tiếp tục quan tâm xử lý trong thời gian tới. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu; thái độ phục vụ của cán bộ, công chức có lúc, có nơi chưa cao, qua phản ánh của người dân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng, từ đây đến cuối năm 2017, tỉnh An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 định hướng 2025; các quy hoạch sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa Chương trình “Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm thị trường tiêu thụ để liên kết với hộ xây dựng vùng nguyên liệu; kêu gọi đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ. Tăng cường quảng bá nông sản ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm hiện có và định hướng thị trường cho các sản phẩm mới, có triển vọng. Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn thú y, thủy sản nhằm đảm bảo về môi trường, chất lượng sản phẩm.
Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, qua đó triển khai các thông tin về chính sách, rào cản thương mại.... ở những thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng (như: Trung Quốc, Myanma...) đến doanh nghiệp. Tăng cường liên kết, phối hợp với các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của An Giang. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ và hội thảo gắn kết hoạt động giao thương trong và ngoài nước.
Phối hợp với ngành thương mại tỉnh Takeo, Kandal - Vương quốc Campuchia tích cực triển khai các hoạt động hợp tác phát triển thương mại biên giới: Xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm An Giang tại tỉnh Takeo, Kandal và ngược lại; tổ chức phiên chợ hàng Việt vùng nông thôn biên giới tỉnh Takeo, Kandal; tổ chức Hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp An Giang - Takeo – Kandal,... Tập trung tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo và phân phối điện đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất. Tiếp tục rà soát mục tiêu, lĩnh vực hoạt động của từng cụm công nghiệp để xác định lại ngành nghề thu hút dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên cho công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... từng bước hạn chế các dự án có công nghệ sản xuất gây nhiều ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đưa ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc không có nhà đầu tư.
Tăng cường các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn của các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách, đồng thời thực hiện nghiêm quy định của Luật đầu tư công và các quy định về quản lý đầu tư, xử lý nợ động xây dựng cơ bản. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực canh tranh (PCI) của tỉnh. Rà soát, bổ sung chức năng các Quỹ tài chính hiện có để thực hiện chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển du lịch và nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế. Quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách cho đầu tư và sự nghiệp, nhằm hạn chế đầu tư kém hiệu quả và lãng phí. T
Tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động giám sát, kiểm dịch y tế biên giới; tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; Đề án xuất khẩu lao động thị trường có thu nhập cao.
Nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch, tăng cường quản lý nhà nước đối với các khu, điểm du lịch và các loại hình dịch vụ du lịch. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của ngành du lịch, cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu du khách, tăng hệ số lưu trú đối với khách du lịch. Tập trung khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như: Khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tập trung vào rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận. Thực hiện “tích hợp mã số doanh nghiệp, đăng ký tài khoản ngân hàng, kê khai thuế điện tử” nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mới thành lập. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp triển khai các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, rà soát thu hồi các dự án đầu tư đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư mà không triển khai thực hiện để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới tiếp cận các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh.
Thường xuyên cập nhật về tình hình thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; rà soát, biên soạn lại danh mục dự án kêu gọi đầu tư, những tư liệu, hình ảnh về An Giang phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh và môi trường đầu tư An Giang đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017.
Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh chính trị, an ninh biên giới, phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhất là trong các dịp lễ, hội. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về an toàn giao thông. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo còn tồn đọng; đẩy mạnh công tác tiếp và đối thoại với công dân... Triển khai thiết thực, đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Nguyễn Hùng