UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp xử lý doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng

Sở TT&TT AG - Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay tại một số địa phương phát sinh trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về tên gọi doanh nghiệp, về quảng cáo các sản phẩm có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng như:

- Tên gọi của doanh nghiệp có cụm từ hoặc thuật ngữ có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là một tổ chức tín dụng (trong tên gọi có các cụm từ “bank”, “công ty tài chính”,…), vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành Điều 39 và Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 4, Điều 5, Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
 
- Quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ cung cấp có từ ngữ liên quan đến các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật: “vay vốn tiêu dùng”, “cho vay thế chấp”, “vay tín chấp”, “cho vay trả góp”, “vay vốn kinh doanh”, “vay tiền nhanh”,… trong khi các đơn vị này chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện các hoạt động ngân hàng, điều này vi phạm quy định của pháp luật Điều 4, Điều 5 và Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012.
 
Do vậy, để hạn chế các trường hợp vi phạm pháp luật tương tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời có cơ sở để xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nhầm lẫn của khách hàng để mạo danh tổ chức tín dụng nhằm lừa đảo hoặc cho vay dưới hình thức “tín dụng đen”. UBND tỉnh đã có Văn bản đồng ý nội dung đề nghị của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tại Công văn số 562/ANG-TTGSNH ngày 11/6/2020 của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh về việc doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh (Chi nhánh) để thực hiện một số nội dung sau:
 
Rà soát các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có tên gọi có thể gây nhầm lẫn như trên, yêu cầu sửa đổi, điều chỉnh tên đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (nếu có);
Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và quy định khác để rà soát các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có hoạt động ngân hàng để yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác chỉ được thực hiện hoạt động ngân hàng khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.
 
Rà soát các quảng cáo, băng rôn, bảng hiệu, tờ rơi có nội dung về sản phẩm dịch vụ liên quan đến ngân hàng của các cá nhân, tổ chức (không phải tổ chức tín dụng), khi có phát sinh vi phạm áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng khi chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, tuân thủ các quy định về quảng cáo tại Luật Quảng cáo năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
Tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập và hoạt động tại Website “sbv.gov.vn” để người dân biết, hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
 
Tăng cường công tác quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, không cho đăng tải, xóa các bài viết quảng cáo trái phép có liên quan đến “tín dụng đen”./.
 
  Nguồn: CV số 3163/VPUBND-KTTH ngày 3/7/2020 của UBND tỉnh
Tin: Thành Nhơn