Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó thiên tai

Sở TT&TT AG - Ngày 14-9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công điện yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Chỉ thị số 43/CT-BTTTT ngày 27/7/2021 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch Covid-19 (Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg).
 
Theo Công điện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, ưu tiên sử dụng dịch vụ hội nghị truyền hình, các ứng dụng họp, hội nghị trực tuyến để tổ chức các cuộc họp, hội nghị liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai. Đặc biệt là tại những địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tối đa việc việc tiếp xúc trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
 
 Triển khai các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai khác nhau. Đặc biệt chú trọng đến những trường hợp thiên tai xảy ra bất thường với cường độ mạnh ngoài dự báo hay siêu bão, lũ lớn, ngập lụt kéo dài nhiều ngày... Vận dụng nguyên tắc “4 tại chỗ” để dự trù lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện.
 
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, thành viên trong Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) của đơn vị, doanh nghiệp; Tổ chức nghiêm chế độ trực ban chỉ huy PCTT&TKCN, trực điều hành và trực ứng cứu thông tin trong mùa mưa bão năm 2021; Theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tiếp nhận kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng triển khai thực hiện pháp luật về PCTT. Nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai, biện pháp phòng tránh; phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các phương án đảm bảo sẵn sàng thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão, lũ lớn phù hợp với tình hình thực tế của thiên tai và dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo các đơn vị thành viên, chi nhánh tại các tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu về đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp tại địa phương; tăng cường trang bị hệ thống thông tin liên lạc tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai; tiếp tục thực hiện chủ trương ngầm hoá mạng ngoại vi; nâng tầng, kiên cố hóa nhà trạm, phòng máy, cột ăng ten, đảm bảo chịu được rủi ro thiên tai cấp IV trên toàn quốc; tăng cường năng lực mạng thông tin di động phục vụ công tác ứng phó thiên tai; kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng trang thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện và các thiết bị dự phòng sẵn sàng phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai; sẵn sàng các phương án sử dụng chung hạ tầng khi có thiên tai và tổ chức nhắn tin đến các thuê bao trong vùng dự kiến chịu ảnh hưởng của thiên tai khi có yêu cầu; chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, trang bị đầy đủ bảo hộ phòng dịch, bảo hộ an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc ngoài hiện trường….
 
Đối với các Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai cho các cấp chính quyền và đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khi có thiên tai; chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn triển khai các phương án ứng phó thiên tai phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương; điều động sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, đặc biệt là các thiết bị thuộc mạng thông tin chuyên dùng PCTT, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp tại địa phương; Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn và các đơn vị liên quan lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây trên các trạm thu phát sóng kiên cố của doanh nghiệp.
 
Phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động sẵn sàng roaming giữa các mạng tại khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai; phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và các Báo, Đài ở địa phương để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ đội Biên phòng để hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm và sử dụng tần số, thiết bị thu phát vô tuyến điện đối với các phương tiện nghề cá; thông báo các vị trí có sóng điện thoại, điện (trong khu vực phát sóng của trạm thu phát sóng kiên cố chịu được rủi ro thiên tai cấp IV) để người dân có nhu cầu có thể sạc pin điện thoại khi điện lưới bị mất.
 
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở TTTT tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp các giấy giờ, thủ tục cho cán bộ, phương tiện đi lại làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin tại hiện trường nhằm đảm bảo kịp thời công tác ứng phó với thiên tai đồng thời đảm bảo thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
 
Tại Công điện này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam.
Tin HY
Nguồn CĐ số 03/CĐ-BTTTT ngày 14/9/2021