Khảo sát của Bộ Nội vụ cho thấy, có tới 67,4% thanh niên trả lời chưa biết gì về quyền lợi của mình được quy định trong Luật Thanh niên và 46,8% thừa nhận trình độ nhận thức pháp luật của mình còn hạn chế.
Phải xuất phát từ nhu cầu
Khảo sát của Bộ Nội vụ cho thấy, có tới 67,4% thanh niên trả lời chưa biết gì về quyền lợi của mình được quy định trong Luật Thanh niên và 46,8% thừa nhận trình độ nhận thức pháp luật của mình còn hạn chế. Những con số này cho thấy, công tác phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên còn nhiều việc phải làm.
67,4% thanh niên chưa biết quyền lợi của mình
Kết quả thực hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, bên cạnh việc góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật thông qua nhiều mô hình, cách làm hay thì công tác này cũng không tránh khỏi những hạn chế, nhất là khi nhu cầu tìm hiểu pháp luật của thanh, thiếu niên (TTN) ngày càng phong phú, đa dạng. Thực tế cho thấy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho TTN chưa đồng đều, toàn diện, mới tập trung vào TTN là học sinh, sinh viên trong trường học, TTN đô thị; TTN là công chức, viên chức, người lao động… mà chưa chú trọng đến TTN tự do, cư trú không ổn định, chưa có việc làm, trong khi đây là nhóm có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật.
Ngoài việc chưa đúng, chưa trúng đối tượng và những vấn đề TTN cần, quan tâm thì việc PBGDPL còn mang tính phong trào, nặng về hình thức... Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Doãn Đức Hảo nêu thực tế, Luật Thanh niên 2005 đã quy định 8 nhóm quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên. Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu, nhận thức của thanh niên về Luật Thanh niên và các chính sách trong Luật rất thấp. Khảo sát của Bộ Nội vụ cho thấy, có tới 67,4% thanh niên trả lời chưa biết gì về quyền lợi của mình được quy định trong Luật và 46,8% thừa nhận trình độ nhận thức pháp luật của mình còn hạn chế. Như vậy, khi quyền lợi hợp pháp của thanh niên bị xâm phạm, thanh niên sẽ không biết, không tự bảo vệ được mình.
Ở khía cạnh khác, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội Vũ Thị Thanh Tú cũng nhận định, ý thức tự nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật của TTN chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kiến thức pháp luật trong cuộc sống, khiến cho việc tiếp cận để tuyên truyền, giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Cần khảo sát nhu cầu của TTN
Được xác định là hình thức PBGDPL trực tiếp, đáp ứng nhu cầu của thanh niên, có tác dụng hiệu quả và thiết thực, đến nay Bộ Quốc phòng đã thành lập được 4.500 tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho quân nhân. Các tổ này đã tư vấn, giúp đỡ được hơn 10.000 cán bộ, đoàn viên thanh niên.
Nguồn Bộ Quốc phòng
Có thể thấy nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả việc PBGDPL cho TTN từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đến nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, gắn kết, lồng ghép trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương… Tuy nhiên, để các giải pháp nêu trên trở thành hiện thực thì cần có một cuộc khảo sát về nhu cầu pháp lý của TTN. Việc PBGDPL nói chung và cho TTN nói riêng mới chỉ dừng lại ở những nội dung mà chúng ta có, chứ không phải là nội dung đối tượng cần.
Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân cho rằng, việc PBGDPL cho TTN phải xuất phát từ nhu cầu. Để hiểu được mong muốn của TTN, cần nhận diện được những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi “lệch chuẩn” phổ biến của TTN trên địa bàn. Từ đó, đề ra các giải pháp PBGDPL hiệu quả, trực tiếp tác động đến ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của TTN, có tính đến những lợi ích của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng tình với việc giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới căn bản nội dung, hình thức PBGDPL cho TTN, Trưởng ban Thanh niên - Trường học Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Trần Ngọc Duy cho rằng, cần phát huy vai trò của các cơ qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để nâng cao khả năng tương tác với đoàn viên, thanh niên, tránh tuyên truyền mang tính áp đặt, nhàm chán, đơn điệu.
Có thể thấy rằng, bên cạnh việc khảo sát nhu cầu pháp lý của TTN cần đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho TTN phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn, chú trọng lồng ghép PBGDPL với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là lồng ghép trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Nguyễn Minh
Theo daibieunhandan.vn