Sở TT&TT AG - Sáng ngày 12/5, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ
quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hội nghị có sự tham dự của Ông Trương Minh Thuần, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Ông Trần Công Khả, Đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực IV; Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cùng các các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Lê Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tình trạng lợi dụng không gian mạng để tung tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên không gian mạng diễn ra phức tạp; đặc biệt thời gian gần đây thông tin không chuẩn xác về bệnh dịch Covid-19 gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây mất trật tự an ninh xã hội, an ninh quốc gia. Nội dung Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn, chi tiết hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Cụ thể, riêng việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội cũng đã rõ ràng hơn. Đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội đã được làm rõ tại điều 101 Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Nội dung tập huấn của hội nghị lần này nhằm phổ biến nội dung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp thông tin các nội dung của Nghị định 15/2020/NĐ-CP
Theo Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng bổ sung nhiều điểm mới với những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP; Nghị định 15/2020/NĐ-CP có 9 Chương với 124 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 (thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP), có nghĩa là các quy định của Nghị định có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15/4/2020.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng) và giao dịch điện tử.
Ông Trần Công Khả, Đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực IV thông tin một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tần số vô tuyến điện
Ông Trần Công Khả, Đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực IV thông tin một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tần số vô tuyến điện như cách nhận dạng các loại thiết bị gây can nhiễu và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tần số vô tuyến điện. Các loại thiết bị gây can nhiễu là các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động, như điện thoại không dây chuẩn DECT có băng tần sử dụng từ 1900MHz – 1930MHz không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện của Việt Nam…
“Theo Luật số: 42/2009/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 quy định, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, trừ trường hợp được miễn theo quy định. Thời hạn cụ thể của giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, nhưng không vượt quá thời hạn tối đa của từng loại giấy phép và bảo đảm phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện. Hiện nay, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện có 3 loại bao gồm: giấy phép sử dụng băng tần có thời hạn tối đa 15 năm; giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện có thời hạn tối đa 10 năm; giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh có thời hạn tối đa 20 năm”, ông Trần Công Khả thông tin.
Đồng thời, hiện nay Cục Tần số vô tuyến điện đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép tại hệ thống đăng ký cấp phép qua mạng, địa chỉ http://capphepquamang.rfd.gov.vn/DangKyQuaMang/TrangChu.aspx
Cũng tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Việt Phương đề nghị, sau hội nghị các cơ quan tiếp tục tuyên truyền cho công chức, viên chức và người lao động, hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên được biết những nội dung cần thiết, cơ bản của Nghị định định 15 và một số nội dung về lĩnh vực tần số vô tuyến điện; UBND các huyện, thị, thành phố có những biện pháp thiết thực trong công tác tuyên truyền để nội dung nghị định có thể đi vào đời sống xã hội; Đài truyền thanh cơ sở, các cơ quan báo chí truyền truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân./.
A.H-T.C