(sotttt.angiang.gov.vn) - Ngày 08/10/2024, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cùng đại diện các Sở, ngành tỉnh phụ trách các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới làm việc với UBND huyện Thoại Sơn về tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực Chuyển đổi số xã Thoại Giang. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở thông tin và truyền thông tham dự buổi làm việc.

Thực hiện Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 1993/QĐ-UBND ngày 11/6/2022 của UBND tỉnh; xã chọn ấp Trung Bình để xây dựng mô hình thông minh. Tính đến nay, Hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động bao phủ đến hộ gia đình; Các hộ dân trên địa bàn ấp có khả năng kết nối mạng internet cáp quang, mạng viễn thông di động (3G/4G và các thế hệ tiếp theo) đạt tỷ lệ 100%; Văn phòng ấp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, trao đổi công việc, tuyên truyền đến người dân trong ấp qua nhóm Zalo của ấp, cụ thể Ban nhân dân ấp đã tạo 02 nhóm Zalo của ấp, 01 nhóm Zalo kết nối các thành viên trong ấp gồm 05 thành viên; 01 nhóm Zalo kết nối người dân trên địa bàn ấp với 173 thành viên; Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Trung Bình được kiện toàn theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 26/02/2024 với 07 thành viên, từ khi thành lập các thành viên trong Tổ được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng số. Định kỳ thứ ba và thứ năm trong tuần Tổ sẽ đến từng hộ để thông tin tuyên truyền cho người dân về kỹ năng số, thanh toán không dùng tiền mặt,… Ngoài ra, Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Trung Bình còn bố trí 01 điểm cố định hỗ trợ người dân tại Văn phòng ấp để hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng Smart An Giang, VNeID, đăng ký thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ người dân trên địa bàn ấp biết sử dụng smartphone vào khai thác các ứng dụng nền tảng phục vụ sản xuất, kinh doanh đạt tỷ lệ 46,92%; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán trực tuyến có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu (thông qua các dịch vụ thanh toán tiền trực tuyến app Momo, Viettel money, VNPT money, các ứng dụng thanh toán trực tuyến các app ngân hàng HD, BIDV, Agribank, Vietinbank…) đạt tỷ lệ 36,95%.
Về lĩnh vực Chuyển đổi số, xã cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh theo Danh mục được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ban hành tại Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 và Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 06/9/2021, tính đến 20/9/2024, dịch vụ công trực tuyến toàn trình của xã phát sinh 852 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến của xã đạt tỷ lệ 99%. Trong trụ cột Chính quyền số, xã triển khai Hệ thống thông tin quản lý điều hành cấp xã, việc triển khai Hệ thống giúp giải quyết nhu cầu thực tế và cấp bách là khắc phục những tồn tại của hệ thống báo cáo phục vụ điều hành của lãnh đạo và giúp cải cách hành chính nhà nước được hiệu quả hơn, khoa học hơn, chính xác hơn; giảm thời gian xử lý và kịp thời phục vụ tốt hơn cho người dân, tăng cường hơn nữa năng lực của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng kinh tế xã hội của xã ngày càng phát triển.
Về trụ cột Kinh tế số, xã triển khai Nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây trồng, tại Vùng canh tác Lúa thuộc ấp Tây Bình, Xã Thoại Giang, Nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Internet vạn vật (IoT- Internet of Things), công nghệ 4G/5G,… để nhận diện, thu thập dữ liệu, giám sát các loài côn trùng, tạo cơ sở dữ liệu cho ngành Nông nghiệp tổng hợp, phân tích. Ngoài ra có một số mô hình tiêu biểu ứng dụng Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số khác như: Mô hình trồng Thanh nhãn của hộ ông Nguyễn Thành Út ấp Bắc Thạnh với diện tích 1,5 ha áp dụng khoa học kỹ thuật tưới tiêu bằng điện thoại thông minh (Smartphone); Mô hình trồng sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp hệ thống châm phân điều khiển qua Smartphone diện tích 6000m2 của ông Phạm Minh Hưởng ấp Bắc Thạnh; Mô hình trồng sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp hệ thống châm phân điều khiển qua Smartphone diện tích 2,8ha của bà Lưu Thị Tuyết Loan ấp Mỹ Giang.
Về trụ cột Xã hội số, xã triển khai mô hình “Khu Bách hóa tổng hợp Thoại Giang không dùng tiền mặt”, qua triển khai 100 % các hộ tiểu thương đều có tài khoản ngân hàng và tải app thanh toán trên điện thoại di động thông minh; 70% hộ tiểu thương sử dụng QR code để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, 30% còn lại không sử dụng do buôn bán nhỏ lẻ, không cố định. Một số lĩnh vực khác có mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số: Lĩnh vực an ninh, trật tự: Lắp đặt 16 camera (hiện còn sử dụng 05 camera) giám sát an ninh trật tự tại những khu vực trọng điểm của xã; Lĩnh vực Y tế: 100% hồ sơ sức khỏe của người dân được quản lý trên các ứng dụng chuyên ngành như: HIS, phần mềm quản lý tiêm chủng, phần mềm quản lý bệnh lây, hồ sơ sức khỏe của người dân,... Ngoài ra, Trạm Y tế xã hiện nay kết nối với người dân qua mạng xã hội Zalo để tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cho người dân; Lĩnh vực Giáo dục: Các điểm trường trên địa bàn xã trong thời gian qua đã sử dụng các phần mền vào công tác quản lý, dạy và học như: quản lý giáo án điện tử, sổ liên lạc điện tử và nhiều phần mềm khác.
Qua kiểm tra, đề nghị UBND xã tiếp tục duy trì và nâng chất các nội dung đã đạt. Tiếp tục phát huy mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ Chính quyền hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp các kỹ năng số cần thiết để tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng các dịch vụ số và nền tảng số./.
Thiên Nhi