Kết quả thực hiện các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và Giảm nghèo bền vững của ngành TT&TT An Giang

Sở TT&TT AG - Thời gian qua, Ngành thông tin và truyền thông An Giang đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình hành động số 04-CTr/TU.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đề án, … góp phần thực hiện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, truyền thông giảm nghèo về thông tin do ngành phụ trách.

Hàng năm, Sở TT&TT đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của ngành về thông tin và truyền thông, hướng dẫn và triển khai đến các đơn vị trực thuộc, Phòng Văn hóa – Thông tin, Đài Truyền thanh cấp huyện tổ chức thực hiện: Hướng dẫn số 386/STTTT-BCVT, ngày 06/9/2012 của STTTT hướng dẫn đánh giá thực hiện tiêu chí ngành thông tin truyền thông về Xây dựng nông thôn mới; Hướng dẫn số 275/HD-STTTT, ngày 10/4/2017 về phương pháp xác định, đánh giá mức độ đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; Hướng dẫn số 398/HD-STTTT, ngày 01/6/2018 của Sở TT&TT hướng dẫn Thực hiện tiêu chí Thông  tin và Truyền thông về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tỉnh An Giang giai đoạn 2018 – 2020.
 
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đảm bảo duy trì ổn định đường truyền phục vụ hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Cổng thông tin điện tử thành phần nhằm đảm bảo việc cập nhật, công bố, công khai, truy cập thông tin nhanh chóng. Sở đã ký kết bản ghi nhớ với Zalo và chuẩn bị ký kết chương trình hợp tác để tạo kênh tương tác giúp cho người dân và doanh nghiệp trao đổi thông tin, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ trên zalo cá nhân.
 
Về công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 4)
Trong hoạt động truyền thông về giảm nghèo:
Đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh cơ sở về các chủ trương, chính sách giảm nghèo. Sở Lao động - TBXH phối hợp với Tạp chí Lao động – Xã hội, Báo Lao động Xã hội, Báo An Giang tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo hiệu quả,  hỗ trợ Phòng Lao động - TBXH cấp huyện tổ chức các chương trình truyền thông về chủ trương, chính sách giảm nghèo, xây dựng các ấn phẩm truyền thông, tổ chức các buổi tuyên truyền, gắn các pano, in ấn tờ rơi về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 1.053 triệu đồng. Qua đó, đã nâng cao nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tạo sự chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo. Năm 2020 tiếp tục thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về Chương trình với kinh phí 705 triệu đồng.
 
Trong hoạt động giảm nghèo về thông tin:
Trong giai đoạn 2018 – 2019, tỉnh đã triển khai hoạt động giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh với kinh phí thực hiện là 4.736.729.829 đồng/5.650.000.000 đồng, đạt 84% kế hoạch vốn.
Dự kiến năm 2020: Tổng kinh phí dự kiến phí thực hiện là: 370 triệu đồng, cụ thể: Triển khai giai đoạn 2 về thiết lập cụm thông tin cơ sở (Màn hình led) tại  khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Bao gồm: Mua sắm, lắp đặt hệ thống dây điện mới phục vụ riêng cho hoạt động cụm thông tin cơ sở (Màn hình led); Triển khai đặt lớp Alu Alcorest (lớp mặt bảo vệ) để bảo vệ màn hình led;  Thực hiện các Video clip phục vụ đăng, phát trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang, các sở ban, ngành và các huyện, thị, xã, thành phố và Đăng phát trên cụm thông tin cơ sở (Màn hình led).
 
Việc sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình có chất lượng nhằm cung cấp các thông tin chính thống, phục vụ tốt nhu cầu cung cấp thông tin cho người dân của khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi các “Mục tiêu Phát triển Bền vững” cũng như việc thực hiện “Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” trong xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế; Quảng bá hình ảnh đất nước đến cộng đồng dân cư trong nước và khách quốc tế khi đến với Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương; Nâng cao nhận thức của nhân dân khu vực biên giới về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt, để nhân dân thấy được vai trò trách nhiệm của vùng biên giới đối với an ninh Quốc gia. Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước, tạo đồng thuận cao với các vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung, khu vực biên giới nói riêng.
 
Về Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí Thông tin và truyền thông – Tiêu chí 8
 
Đến nay, các ấp trên địa bàn xã có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng ít nhất một trong hai loại dịch vụ điện thoại: Trên mạng viễn thông cố định mặt đất hoặc trên mạng viễn thông di động mặt đất và ít nhất một trong hai loại dịch vụ truy nhập internet: Băng rộng cố định mặt đất hoặc trên mạng viễn thông di động mặt đất.
Đài Truyền thanh hữu tuyến hoặc vô tuyến được thiết lập đáp ứng các quy định về thiết bị truyền thanh, phát xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ và sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.
 
         Về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành: 100% xã đều ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử trong quản lý văn bản và điều hành; 100% xã được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử chính thức của tỉnh An Giang (angiang.gov.vn) và ứng dụng hệ thống một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
So với năm 2010 hệ thống hạ tầng thông tin, truyền thông đã đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng của nhân dân. Đánh giá 119/119 xã đều đạt tiêu chí 8 về Thông tin và truyền thông.
 
Kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh: Có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó có 01 huyện nông thôn mới (huyện Thoại Sơn), 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận; Có 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 51,26%; tăng 48 xã so với giai đoạn (2011 - 2015) và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớn hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh; 9 xã đạt 15-18 tiêu chí; 50 xã đạt 10-14 tiêu chí, 06 xã đạt 09 tiêu chí; không còn xã dưới 09 tiêu chí;
Bình quân toàn tỉnh đạt 15,55 tiêu chí/xã (tăng 8,74 tiêu chí/xã so với giai đoạn 2010 - 2015); Toàn tỉnh không còn xã dưới 09 tiêu chí.
 
Nhìn chung:
Sở Thông tin và Truyền thông xác định vai trò quan trọng của công tác truyền thông về giảm nghèo và công tác xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Qua đó, truyền tải nhiều thông tin, góp phần giúp người dân nắm bắt kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững. 
Công tác truyền thông cũng góp phần tăng trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương và người dân trong việc triển khai, trao đổi trong quá trình thực hiện các Chương trình. Qua thông tin, truyền thông đã kịp thời phát hiện, giới thiệu, nhân rộng những cách làm sáng tạo, kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hay, tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thoát nghèo và từng bước thoát nghèo; nhất là truyền tải thông điệp nêu cao ý thức vươn lên thoát nghèo của từng hộ nghèo, cận nghèo và các tấm lòng hào hiệp của bà con hiến đất làm đường, chung sức xây dựng các cầu nông thôn với sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương mang đến sự thành công của công tác triển khai, thực hiện các Chương trình tại tỉnh An Giang.
 
LNT
Nguồn: Báo cáo số 210/BC-UBND của UBND tỉnh ngày 23/4/2020 và các báo cáo thực hiện NTM, Giảm nghèo của Sở TT&TT.