SoTTTT AG - Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018, Hè Thu 2018 trên địa bàn tỉnh An Giang. Ngày 29/3/2018, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp khi có hạn, mặn xảy ra gay gắt và trên diện rộng với mục tiêu chủ động phương án ứng phó khi có hạn, kiệt và xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang; Nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.
Theo đó, Phương án đề ra các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn như sau :
Đối với sản xuất nông nghiệp
Các địa phương, công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn, tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra.
Tại các kênh rạch có khả năng bị nhiễm mặn, các địa phương cần lưu ý và khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước, đặc biệt tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào, hạn chế bơm khi nước trong kênh rạch có thời gian ngừng chảy kéo dài và không được bơm khi có lượng nước từ phía Kiên Giang chảy vào.
Trên cơ sở nguồn nước tại thời điểm và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, địa phương phối hợp với ngành chuyên môn chủ động hướng dẫn nhân dân sử dụng giống và bố trí các loại cây trồng hợp lý. Đối với các vùng trồng lúa đảm bảo nguồn nước tưới suốt vụ thì chủ động gieo sạ tập trung thâm canh theo vùng để tiết kiệm nước; đối với diện tích không đủ nước trồng lúa thì chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn và thời gian ngắn hơn so với trồng lúa; diện tích không có nước chủ động tạm dừng không gieo trồng.
Tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới luân phiên, ước-khô xen kẽ...), hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ đến mức thấp nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến tận nơi sản xuất nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng và nhu cầu thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài và hiệu quả.
Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý khai thác công trình (Trạm quản lý Thủy nông huyện, tổ hợp tác dùng nước ở các xã, phường, thị trấn…) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình…), bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.
Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và kiến thức về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh; tập trung hình thức chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn nhằm tăng năng suất và hạn chế dịch bệnh. Có biện pháp che chắn nắng cho đàn vật nuôi, dự trữ rơm, rạ và các loại thức ăn thay thế cỏ, đảm bảo nguồn nước uống tránh để vật nuôi mất sức do thiếu nước.
Huy động các lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện tham gia phòng, chống hạn (tuyên truyền cảnh báo hạn hán, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm, đào ao, đào giếng).
Đối với cấp nước sinh hoạt, công nghiệp
Khi mặn xâm nhập sâu vào An Giang, cần hướng dẫn người dân vùng giáp ranh Kiên Giang – An Giang tập trung tối đa phương tiện để lấy nước, trữ nước ngọt dùng trong thời gian lâu dài. Khi thực hiện việc lấy nước cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước.
Các địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tính toán, cân đối dành nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho đến hết mùa khô hạn năm 2018. Theo dõi, nắm bắt tình hình thiếu nước sinh hoạt, đề xuất các biện pháp cấp nước thích hợp.
Một số hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, các giếng nước của dân do ảnh hưởng hạn hán không đủ nước, tiến hành các biện pháp như: ngăn các đập tạm để trữ nước, tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài.
Phòng, chống hạn, mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp
Chuẩn bị vật tư, phương tiện xây dựng 20 đập tạm phòng chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang: Tri Tôn 12 đập (Đập kênh Nam Vĩnh Tế 6, Vĩnh Tế 7, Vĩnh Tế 8, Vĩnh Tế 9, Vĩnh Tế 10, Vĩnh Tế 11, Vĩnh Tế 5, Vĩnh Tế 4, Vĩnh Tế 3, Vĩnh Tế 1; Đập T4 Trung ương; Đập T4 tỉnh), Thoại Sơn 8 đập (Đập kênh Xã Diễu; Đập kênh Thoại Giang III; Đập kênh B; Đập kênh Ba Thê Củ; Đập kênh Thoại Giang II; Đập kênh C; Đập kênh Thoại Giang I; Đập kênh D) để bảo vệ 7.400 ha lúa.
Sẳn sàng lắp đặt các trạm bơm chống hạn (cứu lúa) cho 1.875 ha lúa vùng cao huyện Tri Tôn (các xã An Tức, Lương Phi, Châu Lăng, Lê Trì) và Tịnh Biên (các xã An Nông, An Hảo) của người dân tộc Khmer, khi ảnh hưởng của hạn.
Tổ chức bơm cấp 2 bảo vệ 3.570 ha lúa đối vùng đồng bằng khi xảy ra thiếu nước cục bộ, gồm các huyện, thị: Châu Đốc (Vĩnh Châu, Phường A); An Phú (Phú Hữu, Vĩnh Hậu); Phú Tân (Phú Mỹ, Long Hòa, Bình Thạnh Đông, Phú Hưng, Hiệp Xương, Phú Bình, Phú Thành, Phú Thọ, Hòa Lạc, Phú Thạnh, Phú Long).
Khi hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng, cần phải tăng cường bơm tưới nhiều hơn (điện năng tăng, nhiên liệu tiêu thụ tăng… so với bình thường) cho khoảng 120.000 ha đất sản xuất, dự kiến khoảng 01 triệu lít (10 lít dầu/ha). Ước tổng kinh phí 24 tỷ đồng.
Phòng, chống hạn, mặn phục vụ nước sinh hoạt
Khi hạn, mặn xảy ra gay gắt dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, Trung tâm Nước sạch & VSMTNT và Công ty Cổ phần Điện Nước An Giang: Nâng công suất mở rộng các tuyến ống đấu nối, điều tiết nước từ các trạm cấp nước lân cận cấp tiếp cho các trạm cấp nước có nguồn nước bị ảnh hưởng thiếu nước, cụ thể: xây dựng kế hoạch triển khai tại 21 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cho các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng hạn, mặn ở các xã giáp Kiên Giang, và các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bằng, cụ thể: Tịnh Biên 12 trạm (TT. Nhà Bàng 02 trạm, Thới Sơn 01 trạm, An Phú 02 trạm, Nhơn Hưng 02 trạm, Vĩnh Trung 01 trạm, An Cư 01 trạm, Tân Lợi 01 trạm, An Hảo 01 trạm, Văn Giáo 01 trạm); Thoại Sơn 04 trạm (Thoại Giang, TT. Óc Eo, Bình Thành, Vọng Đông); Châu Phú 01 trạm (Bình Phú); Tri Tôn 04 trạm (Lương An Trà, Lê Trì, Tân Tuyến, Cô Tô) với chiều dài 126 km.
Phòng, chống cháy rừng
Để đảm bảo tốt hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nguy cơ xảy ra trong mùa khô hạn cho 16.868 ha (Châu Đốc 354 ha, Tịnh Biên 7.759 ha, Tri Tôn 8.429 ha, Thoại Sơn 326 ha) trong đó các khu vực có nguy cơ cháy cao gồm: rừng tràm Trà Sư, núi Phú Cường; cụm núi Đất; núi Nhọn; khu vực Latina, Tà Lọt thuộc Núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên; núi sam thuộc thành phố Châu Đốc; núi Dài, Núi Tượng, một phần núi Cô Tô; rừng tràm Tỉnh Đội, Bình Minh thuộc huyện Tri Tôn. Cần phải chủ động trang bị mua sắm thêm dụng cụ, phương tiện chữa cháy, tích trữ nước ao hồ trên núi, nạo vét kênh và đào hồ trữ nước, máy chữa cháy đồng bằng, dây chữa cháy đồng bằng, máy chữa cháy đeo vai, có béc sứ, thùng thiết 10 lít, bồn chứa nước Inox, trạm bơm điện, tháp canh lửa bằng sắt, Fly cam phục vụ phòng cháy, nâng cấp đường vào rừng Bình Minh,…
Triển khai phương án bảo vệ và PCCCR, các chốt trực tuần tra thường xuyên, có báo cáo hàng ngày theo quy định của Ban chỉ đạo tỉnh. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ và lực lượng (máy chữa cháy, dây chữa cháy, xe vận tải chuyển quân,... ) xuống các điểm và 182 chốt trực (Tịnh Biên 45 chốt; Châu Đốc 25 chốt; Trà Sư 09 chốt; Tri Tôn: 87 chốt; Thoại Sơn 16 chốt) (biểu 5).
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Trong trường hợp khô hạn gay gắt xảy ra, cần có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế tại các vùng, địa phương, nhất là đối với diện tích ở vùng cao, vùng chưa có công trình thủy lợi, hoặc không chủ động nguồn nước, cụ thể chuyển đổi khoảng 6.682 ha lúa (TC: 580 ha, TS: 648 ha, TT: 1.640 ha, AP: 808 ha, CĐ: 130 ha, TB: 440 ha, PT: 546 ha, CT: 226 ha, CP: 922 ha, LX: 132 ha, CM: 610 ha) khu vực có khả năng thiếu nước sang cây trồng cạn (bắp, đậu xanh, dưa hấu, ớt, sả…), không thực hiện xuống giống đối với vùng cao không chủ động được nước tưới.
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN và ban chỉ huy PCCR, thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác chống hạn trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra hồ sơ chống hạn của các địa phương, đơn vị trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp hỗ trợ kinh phí chống hạn.
Đài Khí tượng Thủy văn An Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn, mặn. Chủ động công tác đo mặn trên các tuyến kênh chính, dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình xâm nhập mặn. Hàng ngày cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo phù hợp với điều kiện nguồn nước, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
Sở Thông tin - Truyền thông, Đài PT-TH An Giang, báo An Giang khi hạn, mặn xảy ra, tăng cường tuyên truyền, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và bố trí sản xuất nông nghiệp phù hợp. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hạn hán, xâm nhập mặn nhằm thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm.
Các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện và xây dựng phương án cụ thể cho ngành và địa phương mình.
Nguồn PA số 28/PA- PCTT ngày 29/3/2018