SoTTTT AG - Ngày 18/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ...
SoTTTT AG - Ngày 18/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước; giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn; khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại.Cụ thể:
Về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức: Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục - đào tạo, văn hóa, khoa học; phấn đấu 20% - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15% - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc: Phấn đấu 40% - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (90% đối với học sinh, sinh viên) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.
Về tăng cường phát triển vốn tài liệu thư viện: Phấn đấu đạt 0,45 - 0,55 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; trung bình mỗi người dân đọc 04 cuốn sách/năm; phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 5.500.000 lượt/năm; phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông (Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo); 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật; 80% thư viện- trung tâm thông tin của các sở, ngành có đủ vốn tài liệu chuyên sâu; mỗi cơ quan, ban ngành đều có tủ sách dùng chung cho CC VC LĐ.
Về xây dựng thiết chế thư viện công lập: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng các thiết chế thư viện tỉnh, thư viện cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố), thư viện cấp xã (xã, phường, thị trấn) và thư viện trường học theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó: Đầu tư xây dựng Thư viện huyện, thị xã, thành phố; 80 - 90% số xã được công nhận xã nông thôn mới có thư viện hoặc phòng đọc sách. Đầu tư chiều sâu trang thiết bị, công nghệ thông tin để thư viện các cấp, các ngành đủ khả năng lưu trữ và tổ chức khai thác các loại hình tài liệu.
Đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố theo hướng tăng dần, phấn đấu đạt từ 0,5 - 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng, trung bình mỗi người dân đọc 05 cuốn sách/năm. Môi trường đọc tiếp tục được mở rộng với nhiều loại hình từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động thư viện có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, xuất bản phẩm in và điện tử).
Vì vậy, để thực hiện tốt các chỉ tiêu trên cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc trong nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa, hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách, thu hút tài trợ, đầu tư cơ sở vật chất, vốn sách của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… trong và ngoài nước tham gia phát triển văn hóa đọc;
Cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện; giao lưu, trao đổi sách và tài liệu khác, học tập kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc với các thư viện của các tỉnh, thành trong nước;…/.
Nguồn: KH số 449/KH-UBND ngày 18/7/2018 của UBND tỉnh