SoTTTT AG - Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng Tư dương lịch là đồng bào Khmer Nam bộ lại vui mừng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Cũng như các dân tộc khác, đón năm mới, người Khmer trang hoàng nhà cửa và thực hiện những nghi thức truyền thống, mừng mỗi người thêm tuổi mới, hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, sung túc hơn. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra trong các ngày 14,15,16 tháng 4 năm 2019.
Theo đó, nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang cũng như tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer. Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và quan tâm sâu sát đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ gia đình đồng bào Khmer neo đơn, gặp nhiều khó khăn trong đời sống để mọi người, mọi nhà cùng đón mừng Tết Chôl Chhnăm Thmây vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm; tập trung trọng tâm trọng điểm nguồn lực đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, ý thức đề cao cảnh giác để chống lại luận điệu tuyền truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch;
Biểu diễn nghệ thuật của người Khmer mỗi dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Ảnh minh họa)
Tổ chức thăm viếng các chùa Khmer, các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách người dân tộc Khmer tiêu biểu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ đồng bào dân tộc Khmer trong những ngày Tết.
Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời các hoạt động thăm viếng và hướng dẫn tổ chức các lễ hội; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn và bài trừ các tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan; bảo đảm cung cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và vui chơi trong dịp Tết; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; phát động phong trào gữi gìn ấp, khóm an toàn; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên và người lao động là người dân tộc Khmer đang công tác, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh được vui đón Tết cổ truyền của dân tộc theo đúng phong tục, lễ nghi;
Hỗ trợ sửa chữa, trùng tu các di sản văn hóa đền, chùa dân tộc Khmer; đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức sắc; phát huy vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, ban quản lý chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer./.
Nguồn: CV số 221/UBND-KGVX ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh
Phùng Nhung