An Giang : Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

SoTTTT AG - Đó là một trong những mục tiêu của Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa được Tỉnh ủy An Giang ban hành vào ngày 19/4/2018.

Chương trình ban hành với mục tiêu nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, hiệu quả về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi tiêu thường xuyên và góp phần cải cách chế độ tiền lương.
 
Theo đó, cụ thể đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quy định, hướng dẫn của Trung ương để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; Giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.
 
Đến năm 2030, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, thí điểm thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị; Các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và khóm, ấp cơ bản đạt tiêu chuẩn quy định.
 
Chương trình đề ra 09 nhiệm vụ, giải pháp cần tâp trung thực hiện, đó là :
 
1. Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị ở địa phương, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đã đề ra. Quy định và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế.
 
2. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế.
 
3. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
 
4. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Tiến hành sơ kết, tổng kết và đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tiền lương. Thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức.
 
5. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
 
6. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.
 
7. Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh; tổng kết, đánh giá để có giải pháp sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, chống lãng phí, góp phần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Đầu tư thoả đáng các nguồn lực cho công tác nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ của hệ thống chính trị.
 
8. Nghiên cứu sửa đổi quy định và thực hiện việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm túc, nhất quán việc khoán kinh phí chi phụ cấp theo định mức cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và khóm, ấp (thực hiện từ năm 2019).
 
9. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Bố trí đủ nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Cảnh giác và chủ động có các giải pháp ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội.
 
Các ban đảng, cán sự đảng, đảng đoàn và Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và chủ động xây dựng kế hoạch, đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị (trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt) để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động; kịp thời báo cáo, xin ý kiến đối với những vần đề còn khó khăn, vướng mắc.
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
 
Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quant ham mưu xây dựng Đề án của Tỉnh ủy cụ thể hóa Chương trình hành động; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và phê bình, kỷ luật những nơi thực hiện chưa tốt.
 
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành các chính sách và đảm bảo nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện chương trình hành động.
Kết quả thực hiện Chương trình này là cơ sở để đánh giá, phân loại hằng năm đối với tổ chức đảng và đảng viên (thực hiện từ năm 2018).
 
Nguồn CT số 19-CTr/TU ngày 19/4/2018