SoTTTT AG - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Quang Thi tại cuộc họp thông qua điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu quản lý và xử lý chất thải rắn của tỉnh, năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 05 năm thực hiện quy hoạch, với những nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác xử lý triệt để ô nhiễm môi trường các bãi rác; công tác triển khai xây dựng hạ tầng, đường giao thông và hố chôn lấp hợp vệ sinh tại các khu xử lý rác tập trung; công tác xử lý chất thải rắn nông thôn;…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như: Trang thiết bị còn thiếu và chưa hiện đại; việc thực hiện các dự án đóng lấp bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác tập trung, lò đốt rác tại thị trấn và khu vực nông thôn thực hiện chậm so với tiến độ được duyệt do các thủ tục liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và đấu thầu dự án; việc phát sinh thêm lượng rác mới cần phải xử lý; một số vị trí đặt lò đốt chưa phù hợp quy hoạch hoặc chưa tạo được quỹ đất theo đúng quy định; nhiều công nghệ xử lý được giới thiệu nhưng chưa có văn bản quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn lựa chọn từ các bộ, ngành chuyên môn,…
Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất các chủ trương về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong giai đoạn tới, việc thực hiện “Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư, triển khai các dự án quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về chất thải rắn nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.
Về cơ bản, thống nhất với phương án điều chỉnh của đơn vị tư vấn. Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của khi triển khai thực hiện quy hoạch, yêu cầu các đơn vị lưu ý các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, giao Chủ đầu tư và Đơn vị tư vấn Tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp; cập nhật vào “Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; Bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch thêm 02 đối tượng nghiên cứu là chất thải rắn nguy hại trong nông nghiệp và bùn thải; Sớm hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch, trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Thứ hai, chấp thuận thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp thu gom và xử lý rác sau khi được phân loại, trước mắt triển khai ở 02 thành phố lớn là Long Xuyên và Châu Đốc. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch; chủ động tìm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức hợp pháp; khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thứ ba, giao Sở Công Thương bổ sung vị trí 03 Nhà máy xử lý rác tập trung tại các huyện Châu Thành, Phú Tân và thành phố Châu Đốc và vào quy hoạch phát triển và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối tỉnh An Giang đến năm 2020 có xét đến năm 2030.
Thứ tư, giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh; đảm bảo vận hành ít nhất 05 nhà máy xử lý vào năm 2020.
Thứ năm, thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” là một trong những nguyên tắc chủ chốt của pháp luật môi trường Việt Nam nói riêng và pháp luật môi trường quốc tế nói chung, đã được đề cập tại Luật Bảo vệ môi trường 2014. Để cụ thể hóa, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xây dựng thể chế thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh; đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và đưa vào vận hành trước năm 2020./.
Nguồn: 515/TB-VPUBND ngày 28/12/2017