Định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024-2025

Sở TTTT AG - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 20/01/2023 về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.
 
Năm 2023, bên cạnh việc bám sát quan điểm phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, với thông điệp năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
 
Giai đoạn 2024 - 2025 là giai đoạn quan trọng để Việt Nam tập trung phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong quá trình đó, ngành TT&TT cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thể hiện vai trò quan trọng của mình trong phục hồi, phát triển kinh tế. Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2024 - 2025 là tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đối phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế.
 
Theo Chỉ thị, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, như sau:
 
Lĩnh vực bưu chính: 
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; Các chính sách, mô hình, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đang tiếp tục được hoàn thiện để khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Bưu chính trong thời đại số. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hóa mô hình phân phối hiện đại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, logistics;
 
Với lĩnh vực viễn thông: 
Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông. Phát triển hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, IoT, hạ tầng công nghệ số và các nền tảng số. Trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là đấu giá và cấp tần số 4G/5G, tiến tới thương mại hóa mạng 5G.
 
Lĩnh vực Chính phủ số và Chuyển đổi số quốc gia: 
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giúp người dân thụ hưởng trực tiếp lợi ích, để “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
 
Lĩnh vực An toàn thông tin mạng: 
Tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm an toàn dữ liệu. Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân, tạo lập “niềm tin số” trên môi trường mạng.
 
Về lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số:
Năm 2023 tạo ra bước tiến xa hơn với việc đặt trọng tâm vào dữ liệu (tạo lập dữ liệu ở quy mô lớn, tạo lập niềm tin về chất lượng dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân…) làm tiền đề cho các năm tiếp theo tạo ra những giá trị đột phá cho phát triển kinh tế số.
 
Lĩnh vực công nghiệp ICT: 
Công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam là ngành công nghiệp chủ lực, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam; xác định phương châm hành động xuyên suốt “Thúc đẩy phát triển là trọng tâm - Quản lý để nâng cao chất lượng và thương hiệu công nghệ số Make in Viet Nam”.
 
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: 
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách từ trung ương tới địa phương; thông tin, tuyên truyền nâng cao hiệu quả và sự đồng thuận của người dân, chú trọng và tập trung công tác truyền thông, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước. Tuyên truyền và dẫn dắt, định hướng các mô hình hay, gương người tốt, việc tốt, cách làm mới và hiệu quả, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và thị trường; kịp thời phản bác, chấn chỉnh, đấu tranh với các luận điệu sai trái; triệt phá, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, không đúng sự thật; từng bước tạo văn hóa số trên mạng.
 
Lĩnh vực Xuất bản:
Tích cực đổi mới nội dung, cách thức, quy trình triển khai các nhiệm vụ công tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất bản, nhằm phục hồi và phát triển mạng lưới xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của các nhà xuất bản sau đại dịch COVID-19 kéo dài, phức tạp,…
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng: Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của pháp luật và các chỉ thị, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thanh tra năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025. Tiếp tục phát huy, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Đối với công tác quản lý nhà nước tai địa phương: Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương thông tin, tuyên truyền toàn diện, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương, xây dựng lòng tin và tạo sự đồng thuận của nhân dân tại địa bàn.
 
Nguồn: Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 20/01/2023 của Bộ TTTT
Phùng Nhung