Chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề tỉnh An Giang

Sở TT&TT AG - Ngày 25-5, UBND tỉnh ban hành Quyết định Quy định chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh.

 
Theo quy định này, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh hoạt động theo quy định của pháp luật; Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận; Các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn.
 
Các ngành nghề nông thôn và làng nghề được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; ưu đãi về tín dụng, đầu tư; tạo điều kiện và hỗ trợ xúc tiến thương mại; áp dụng khoa học công nghệ; đào tạo nhân lực; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn…
 
Đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư công; áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 31/2018/NQHĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Ưu tiên trong quá trình xét duyệt và cho vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ, Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm theo Quyết định số 61/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam theo Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các dự án bảo vệ môi trường theo quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường; Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư phát triển.
 
Đối với dự án phát triển ngành nghề nông thôn được hỗ trợ tối đa 50% chi phí dự án nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án. Nội dung hỗ trợ dự án gồm mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án; tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án; quản lý dự án.
 
Đối với làng nghề, nghề truyền thống ngoài được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, còn được hưởng thêm các chính sách từ ngân sách tỉnh như : Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận mới đạt tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP được hỗ trợ trực tiếp một lần 30 triệu đồng/nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống để xây dựng phương án bảo vệ môi trường, làm hồ sơ đề nghị công nhận và tổ chức lễ công bố cho nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
 
Các làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, khi xây dựng biển quảng bá, cổng làng nghề gồm biển hiệu, vật liệu xây dựng kiên cố được hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/làng nghề cho Ủy ban nhân dân xã; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và làng nghề quảng bá sản phẩm trên trang thông tin điện tử của tỉnh, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề.
 
Ngoài ra, làng nghề còn được khuyến khích phát triển được hưởng các chính sách theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường và các chính sách khác theo quy định hiện hành.
Tin HY
Nguồn QĐ số 23/2020/QĐ-UBND ngày 25/5/2020