Sở TT&TT AG - Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2018 đạt 44,43 điểm (có 2 chỉ số thành phần mới: Quản trị môi trường đạt 5,67 điểm; Quản trị điện tử đạt 2,58 điểm), xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố cả nước (Giảm 7 bậc so với năm 2017), vẫn nằm trong Nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao.

(Ảnh minh họa)
Theo đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tỉnh năm 2020.
Mục tiêu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện cả 8 nội dung đánh giá của Chỉ số PAPI. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các nội dung tỉnh An Giang có điểm số thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm thấp nhất và điểm trung bình thấp (Trách nhiệm giải trình với người dân; tham gia của người dân ở cấp cơ sở và Quản trị điện tử); đồng thời giữ vững và phát huy các nội dung tỉnh An Giang có điểm số thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm cao nhất (Cung ứng dịch vụ công; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Quản trị môi trường).
Cụ thể, đó là tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở vào đời sống chính trị, xã hội thông qua tuyên truyền ý nghĩa, nội dung Chỉ số PAPI, Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn đến với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, xử lý và tham mưu xử lý theo thẩm quyền.
Thực hiện công khai, minh bạch báo cáo thu, chi ngân sách cấp xã; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở nơi cư trú; bảng giá đất hàng năm, mức giá đền bù, số hộ, diện tích đất, loại đất bị thu hồi, tài sản, cây trồng cùng với mức giá đền bù; kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư. Thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng xét chọn hộ nghèo. Công bố, công khai các thông tin hữu ích, đáng tin cậy cho người dân tại địa phương.
Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân nhất là đối với cán bộ, công chức cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết nhanh và có hiệu quả những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của người dân, tổ chức. Trưởng, phó khóm, ấp tăng cường tiếp xúc định kỳ, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiều các cuộc tiếp xúc không định kỳ với nhân dân trên địa bàn, giải đáp thắc mắc, giải quyết các khúc mắc cho người dân. Đồng thời, tăng cường phát huy dân chủ trong nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, dân vận chính quyền, tạo điều kiện cho nhân dân góp ý xây dựng với chính quyền địa phương và đem lại kết quả tốt. Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bảo vệ và tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Hạn chế tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn do lỗi từ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.
Nâng cao cung ứng dịch vụ công trong dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, nhất là dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thực hiện đổi mới chính sách bảo hiểm y tế; thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học cho các trường; Tạo điều kiện để tất cả hộ gia đình ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có điện lưới và nước sạch để sinh hoạt; Cải tạo, sửa chửa, nâng cấp lộ giao thông nông thôn.
Tăng cường an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm thông tin, dự báo tình hình để có biện pháp giải quyết, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội; tập trung xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thực hiện quản trị môi trường, phổ biến và công bố rộng rãi hiện trạng chất lượng môi trường; Kịp thời cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường đến địa phương và người dân; Triển khai các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực thành thị và nông thôn.
Nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Lồng ghép từ Đề án An Giang điện tử thông suốt, phổ biến trên môi trường mạng, nhất là khu vực nông thôn, ứng dụng truy cập được trên máy vi tính và trên điện thoại thông minh (smart phone).
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng ban hành Kế hoạch năm 2020 chủ động triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, địa phương; chủ động thực hiện và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.
Sở Nội vụ là cơ quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung của Kế hoạch PAPI năm 2020, đề ra giải pháp nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh hàng năm.
Tin HY
Nguồn KH số 179 /KH-UBND ngày 10/4/2020