Sở Khoa Học Công Nghệ    
 
 
 
Liên kết website
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
Hoạt động Sở, Ngành
(13/05/2019)

Ngày 9/5/2019, Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công thương và Sở Công thương An Giang phối hợp tổ chức Hội thảo hợp tác giao thương gạo giữa doanh nghiệp An Giang và doanh nghiệp Trung Quốc tại nhà khách Văn phòng UBND tỉnh An Giang.

Tham dự hội thảo có ông Trần Quốc Toản, phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc kinh, ông Đinh Công Minh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh An Giang,   ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang, ông Lưu Anh – Trưởng đoàn Doanh nghiệp nhập khẩu gạo Sóc Châu , Trung Quốc cùng 20 doanh nghiệp nhập khầu gạo từ các tỉnh thành phố  của Trung Quốc như  Hạ  Môn, Chiết Giang, Giang Tây, Thâm Quyến,  Hồ Nam, Trung Sơn, Giang Tô, Sóc Châu, Đông Quản, Huệ Châu, Hợp Phì …các Sở ngành có liên quan,và các doanh nghiệp gạo An Giang.

Tại Hội thảo, các đaị biểu đã chỉ ra những tồn tại hạn chế của việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc như: doanh nghiệp xuất khẩu gạo thiếu thông tin thị trường Trung Quốc, nhất là các thị trường sâu trong nội địa; chưa nắm bắt kịp một số điều chỉnh mới trong chính sách thuế quan, mậu dịch của Trung Quốc; Gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trụ vững trên thị trường Trung Quốc; sản phẩm gạo Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của gạo các nước….Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam rằng cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và tuân thủ quy định kiểm dịch của Trung Quốc; chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại Trung Quốc; chú trọng việc xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là đối với các loại gạo chất lượng cao và tại các hệ thống siêu thị của Trung Quốc; và cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý sử dụng thương mại điện tử để bán hàng hiện đang rất được chú trọng tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra,  các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lưu ý các doanh nghiệp An Giang rằng Trung Quốc yêu cầu gạo tấm phải được tách màu; kiểm định kiểm nghiệm gạo ngày càng gay gắt; có thể bán gạo thơm qua kênh thương mại điện tử; 4 vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu gạo là độ ẩm, protein, độ cám và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật …và bảy tỏ sự quan tâm tới gạo jasmine, gạo japonica và gạo Lộc Trời 28.

Trả lời thắc mắc về việc xem xét cấp giấy phép xuất khẩu cho 9 doanh nghiệp sau khi bổ sung hồ sơ vào năm 2016, ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh nêu rõ: thời gian qua phía Trung Quốc chậm xem xét, trả lời vì phải ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy của Hải Quan và họ yêu cầu phải kiểm tra lại năng lực sản xuất của 22 công ty đã được cấp phép rồi mới quyết định xem xét cho 9 doanh nghiệp mới.

Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến khoảng 35-40%  tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. Thế nhưng sang những tháng đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc đã không còn giữ được vị trí dẫn đầu này.

Gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu. Trường hợp không đáp ứng thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu. Năm 2017, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc đã chính thức cho phép tổng cộng 22 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu gạo chính ngạch sang quốc gia này. Tuy nhiên, để có “giấy thông hành”, các doanh nghiệp này phải đáp ứng những đòi hỏi của họ bao gồm việc tất cả các lô gạo phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng, từ vùng trồng, nhà máy sản xuất cho đến kho bãi và công tác khử trùng, trước khi gạo được xuất sang nước họ.

Khi trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất, Trung Quốc cũng đã bắt đầu có những biện pháp thiết lập luật chơi. Đầu tiên là việc chỉ định các đơn vị kiểm định và xông trùng gạo năm 2016. Sau đó là việc cấp giấy phép các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN, làm giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt, từ tháng 6-2018, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo VN lên mức 50%, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nửa cuối năm 2018 gần như tê liệt, cả năm chỉ còn 1,3 triệu tấn, giảm đến 41% so với năm trước đó, thấp nhất kể từ năm 2012. Hậu quả là vụ đông xuân 2019, VN phải giải cứu giá lúa. Chưa hết, từ giữa năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt hơn với việc nhập khẩu gạo từ VN và các nước ASEAN. Theo đó, gạo Việt muốn vào thị trường Trung Quốc phải đảm bảo các quy định về truy xuất nguồn gốc, mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu... Các biện pháp mà Trung Quốc đưa ra cũng là thông lệ đang được nhiều thị trường khác áp dụng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường, Trung Quốc ngày càng trở nên khó tính trong nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, với một thị trường khổng lồ ngay bên cạnh, VN cần phải tận dụng để xuất khẩu. Nhưng thay vì tập trung vào số lượng, doanh nghiệp An Giang  cần nâng cao chất lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng tiêu chuẩn toàn cầu và phải tận dụng thương mại điện tử  ngoài hình thức thương mại truyền thống,  vì đây là hình thức góp phần cho việc phân phối, tiêu thụ các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc rất hiệu quả và đã có một đơn vị của An Giang là tập đoàn Lộc Trời đã tiêu thụ được số lượng gạo ổn định, giá cao ở thị trường Trung Quốc.       

NV

Trang1 trong 14
2
trong 14
3
trong 14
4 trong 14
5 trong 14
6 trong 14 7 trong 14 8 trong 14 9 trong 14 10 trong 14 ... 14 trong 14

 
 
 
 
Skip portlet Portlet Menu
Skip portlet Portlet Menu
Đang tải video..
Skip portlet Portlet Menu

Thông tin cần biết
  Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
Chịu trách nhiệm: Phan Thị Yến Nhi - Phó Giám đốc - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang.
Cơ quan chủ quản: Sở Khoa học và Công nghệ An Giang.
Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 27/10/2015 - Cơ quan cấp phép: Sở Thông tin và Truyền thông An Giang.
Điện thoại: (02963) 852212 - Fax: (02963) 854598 ** E-mail: sokhcn@angiang.gov.vn