Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Hoạt động Khoa học công nghệ

Tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình sản xuất giống cá chạch lấu (Mastacembelus favus) theo quy mô nông hộ” tại tỉnh An Giang

Ngày đăng : 18/03/2020
Tác giả :
A+ A- In

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình sản xuất giống cá chạch lấu (Mastacembelus favus) theo quy mô nông hộ” tại tỉnh An Giang theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 09/3/2020. Chủ nhiệm dự án là ThS. Ngô Thị Hạnh, Trung tâm Giống thủy sản An Giang là đơn vị chủ trì. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 03/2020 đến hết tháng 8/2021 (18 tháng). Mục tiêu tổng quát của dự án là: Tạo ra được một quy trình sản xuất giống cá chạch lấu ổn định cho người dân áp dụng, tạo ra tiêu chuẩn về cá bố mẹ, tiêu chuẩn về liều lượng tiêm tốt nhất cho cá bố mẹ; Nâng cao thu nhập và tạo thêm công việc ổn định cho người nông dân;Tạo ra nguồn giống cá chạch lấu sạch bệnh, khỏe mạnh đáp ứng thị trường theo định hướng sản xuất thủy sản an toàn. Trong đó, mục tiêu cụ thể là:

- Cải tiến quy trình sản xuất sinh sản nhân tạo cá chạch lấu theo quy mô nông hộ trên cơ sở kết quả đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chạch lấu (M.favus) tại An Giang của TS. Phan Phương Loan (Trường Đại học An Giang); trong đó, có các cải tiến mới so với quy trình của TS Phan Phương Loan, bao gồm các thông số kỹ thuật sau:

+ Tỷ lệ thành thục trong quá trình nuôi vỗ cá chạch lấu: Đạt từ 70 – 80%.

+  Sinh sản nhân tạo cá chạch lấu tỷ lệ thụ tinh >= 50%, tỷ lệ nở  >= 50%, tỷ lệ sống ương giống 20 - 30%.

- Chọn 03 nông hộ và 01 đơn vị tham gia xây dựng mô hình áp dụng quy trình đã được cải tiến. Mỗi điểm tham gia dự án đầu tư 120 kg cá bố mẹ, sản xuất được 40.000 con cá giống, được bố trí ương trong bể lót bạt/composite với mật độ ương 1.000 con/m3, tổng số lượng con giống từ dự án cỡ 10 - 12 cm là 160.000 con sau 90 ngày ương.

- Tập huấn kỹ thuật sản xuất nhân tạo cá giống chạch lấu cho 40 học viên là nông dân tâm huyết, kinh nghiệm với đối tượng nuôi, có nguồn vốn nhất định trong tỉnh An Giang (20 học viên/lớp).

- Tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Ứng dụng quy trình sản xuất giống cá chạch lấu (Mastacembelus favus) theo quy mô nông hộ” tại tỉnh An Giang với 60 đại biểu tham dự để đánh giá hiệu quả của dự án và nhân rộng mô hình.

Nội dung thực hiện của dự án, gồm có 05 nội dung chính:

Nội dung 1: Khảo sát chọn điểm triển khai dự án

Dự án dự kiến triển khai tại 4 huyện, thành: huyện Phú Tân, huyện Châu Thành, huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên. Chọn 1 điểm/ huyện để triển khai dự án. Tiêu chí chọn điểm:

- Điểm nuôi có ao/bể xử lý nước cấp, ao nuôi vỗ (diện tích: 500 - 1.000 m2), ao ương giống cá chạch lấu (diện tích: 500 - 1.000 m2) có nhà ấp trứng và đủ điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ sản xuất giống, chủ động được nguồn nước cấp, thoát.

- Đủ nhân lực chăm sóc và quản lý tốt mô hình nuôi.

- Điểm nuôi phải có tâm huyết với nghề nuôi thủy sản, có tay nghề và số vốn nhất định.

- Có khả năng duy trì sản xuất ít nhất 05 năm sau khi nghiệm thu dự án.

- Ký cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi tham gia thực hiện dự án.

Nội dung 2: Tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cá chạch lấu

- Tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cá chạch lấu cho nông dân nuôi thủy sản, với số lượng 20 học viên/lớp. Đối tượng là những học viên có tâm huyết đối với sản xuất giống cá chạch lấu.

- Thời gian tổ chức lớp tập huấn 02 ngày lý thuyết và 05 ngày thực hành (kéo dài suốt chu kỳ sản xuất giống).

- Lập phiếu đánh giá kết quả học tập về phục vụ lớp học, nội dung giảng dạy, khả năng truyền đạt, kinh nghiệm của giảng viên và khả năng ứng dụng.

Nội dung 3: Xây dựng mô hình

Xây dựng hệ thống sản xuất giống cá chạch lấu trong tỉnh gồm 04 điểm tại 4 huyện, thành phố: huyện Phú Tân, huyện Châu Thành, huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên.

- Tổng số điểm thực hiện mô hình: 04 điểm, mỗi điểm chuẩn bị 120 kg cá bố mẹ. Cá bố mẹ được nuôi vỗ trong giai với mật độ 1 kg/m2. Giai nuôi vỗ đặt trong ao có diện tích từ 500 - 2.000 m2.

- Số lượng cá bột: 120.000-150.000 con bột/điểm.

- Diện tích bể ương cá giống: 100 m2 (6 - 10 bể, 6 m2 - 10 m2/bể).

- Diện tích ao ương cá giống: 1.000 - 3.000 m2.

- Mật độ ương cá giống: 1.000 con/m3.

- Con giống: 40.000 con, cở giống 10 - 12 cm.

Nội dung 4: Tổ chức hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình.

Tổ chức 01 cuộc hội thảo tổng kết nhân rộng mô hình: Số lượng đại biểu tham dự là 60 người, thành phần tham dự là đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông và nông dân nuôi thủy sản của các huyện, thị, thành.

Nội dung 5: Tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện.

Chủ nhiệm dự án có trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung dự án theo đúng các yêu cầu của Quyết định này và tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước khi triển khai thực hiện dự án.

Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục hỗ trợ, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án theo theo tiến độ dự án, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.

DQ