Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập:

Hoạt động Khoa học công nghệ

Hội thảo góp ý Khung Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Ngày đăng : 24/07/2021
Tác giả :
A+ A- In

Sáng ngày 23/7/2021, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (ĐPNTM) Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Khung Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” (Hội thảo) theo hình thức trực tuyến do GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) chủ trì. Điểm cầu An Giang do Văn phòng ĐPNTM tỉnh tổ chức tại phòng họp Sở NN&PTNT với sự tham dự của Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (chủ trì), Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Ông Phạm Thái Bình - Phó Chánh Văn phòng ĐPNTM tỉnh và đại diện một số phòng, đơn vị thuộc Sở NN&PTNT và Sở KH&CN.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan về dự thảo Khung “Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” (Chương trình).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình và Văn phòng ĐPNTM Trung ương trình bày các dự thảo: (1) Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình; (2) Quyết định phê duyệt Chương trình; (3) Báo cáo xây dựng khung Chương trình. Một số nội dung chính của dự thảo Chương trình như sau:

Về mục tiêu tổng quát: Cung cấp được luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành, đa hệ thống góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập của người dân, xây dựng đời sống nông thôn văn minh, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, tạo ra các liên kết giữa các vùng, miền.

Về một số chỉ tiêu cụ thể: (1) Bộ tài liệu về cơ sở khoa học, thực tiễn và giải pháp được các cơ quan chức năng tham khảo, sử dụng trong quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu; (2) 100% các đề tài, dự án có kết quả được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành được tính điểm công trình; (3) Các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 25%; ít nhất 70% mô hình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng; (4) Tối thiểu 80% mô hình đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển văn hoá - xã hội nông thôn, phát triển các dịch vụ nông thôn mới có sự liên kết liên ngành và đa ngành, hợp tác công tư để tạo ra một bộ mặt nông thôn Việt Nam văn minh.

Về nội dung thực hiện: (1) Nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; (2) Nghiên cứu phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững; (3) Xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế, xã hội phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong phần thảo luận có 13 đại biểu đã phát biểu ý kiến đóng góp khung Chương trình, tập trung vào một số vấn đề như: Cần có đánh giá tác động của Chương trình giai đoạn 2012-2020 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM); kết cấu Chương trình cần bám sát, có tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện và dự kiến sản phẩm gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; nguồn lực thực hiện Chương trình cần đẩy mạnh huy động từ nhiều kênh, đặc biệt là nguồn xã hội hóa; …

Kết thúc Hội thảo, Ban Chủ nhiệm Chương trình và Văn phòng ĐPNTM Trung ương đã phát biểu tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự để hoàn chỉnh dự thảo Chương trình. Dự kiến Chương trình sẽ được trình duyệt vào cuối quý 3/2021./.

Phạm Danh Tướng